Admin
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Lượt xem: 285
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại kỳ họp thứ 10. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.



Ảnh: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (giữa) chụp ảnh cùng các chiến sỹ 
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 xuất phát đợt 2, trước khi lên máy bay sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ 
gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn ảnh tư liệu: Xuân Khu/TTXVN)

Việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm vị thế, vai trò của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định được sự ảnh hưởng quan trọng đối với toàn thế giới và Việt Nam đang đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai (2020-2021) đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nghiêm túc, khẳng định sự tham gia lâu dài của Việt Nam với sứ mệnh gìn giữ, kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới, phù hợp với cam kết, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để xác định rõ chủ trương, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, từ đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu và chuẩn bị tốt lực lượng triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách hiệu quả.
Nghị quyết gồm 06 chương, 18 điều, quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý Nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nghị quyết quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đối tượng áp dụng là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sỹ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

 Theo đó, nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý Nhà nước của Chính phủ. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc. Chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

 Theo quy định của Nghị quyết, cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

 - Về nhiệm vụ: Thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc; tham mưu cho cấp có thẩm quyền của Việt Nam về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác có liên quan; bảo vệ vị thế và uy tín của Việt Nam; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tôn trọng pháp luật, chính quyền, người dân và văn hóa, phong tục, tập quán ở quốc gia, khu vực nơi lực lượng Việt Nam tham gia; thực hiện nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền của Việt Nam giao.

- Về quyền hạn: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện của Việt Nam và Liên hợp quốc được giao theo quy định để thực hiện nhiệm vụ; quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc và thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Ngoài ra, hình thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm có hình thức cá nhân và hình thức đơn vị. Các lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bao gồm: tham mưu; hậu cần; kỹ thuật; thông tin, liên lạc; công binh; quân y; cảnh sát; kiểm soát quân sự; quan sát viên quân sự; quan sát viên và giám sát bầu cử; các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.

 Nghị quyết quy định về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc như sau:

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định biên chế, tổ chức đơn vị và tiêu chuẩn lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính.

Ngày 15/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, để triển khai thi hành kịp thời, toàn diện, thống nhất, hiệu quả Nghị quyết trên.

Đức Hiếu