Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định gồm 4 chương, 48 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Ảnh minh họa. (Nguồn: thukyluat.vn)
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Về đối tượng áp dụng của Nghị định được quy định như sau:
- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này xảy ra trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm: Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính và tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, gồm: các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ sở tôn giáo; tổ chức dịch vụ chi trả; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở dịch vụ khác.
- Người có thẩm quyền lập biên bản.
- Người có thẩm quyền xử phạt.
- Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định quy định mức phat vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
- Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định quy định rõ mức phạt vi phạm quy định cấm bạo lực đối với trẻ em là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em.
- Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
- Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức tiền phạt vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh; vi phạm quy định về trách nhiệm về giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục; vi phạm quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật…
Về điều khoản chuyển tiếp: Hành vi vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hành vi đó đã hết thời hiệu xử phạt hoặc không thuộc trường hợp xử phạt theo quy định tại Nghị định này thì không thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vi phạm đó;
- Trường hợp đã lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hành vi đó còn trong thời hiệu xử phạt theo quy định tại Nghị định này thì tiếp tục thực hiện xử phạt hành vi vi phạm đó.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực thi hành tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đó; trường hợp áp dụng Nghị định này để xử phạt có lợi hơn cho đối tượng vi phạm thì thực hiện xử phạt theo Nghị định này.
- Trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì tiếp tục thực hiện theo quyết định xử phạt đó; Trường hợp đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm và các trường hợp ngoài quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì áp dụng Nghị định này để xử phạt vi phạm.
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em đã ban hành nhưng chưa thực hiện hoặc đã thực hiện xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm còn khiếu nại thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt để giải quyết.
Nguyễn Đức Hiếu