Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Phòng, chống tham nhũng
Để thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh. Ngày 09/10/2019 Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 165 để triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 -2021” trong Công an tỉnh. Qua đó xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan, huy động sức mạnh của toàn thể lực lượng Công an toàn tỉnh; chú trọng lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với hoạt động chuyên môn để sử dụng các nguồn lực hiệu quả.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, gồm 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều điểm mới rất quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng…, cụ thể như là:
- Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập
Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, mà được mở rộng như sau:
+ Cán bộ, công chức;
+ Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;
+ Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai
Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
- Biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung
Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh.
Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.
- Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31/12
Nếu như trước đây, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì Luật Phòng chống tham nhũng 2018 đã quy định khá cụ thể. Theo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau:
+ Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; Sĩ quan; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019…
+ Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 năm có biến động tài sản.
+ Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12…
(Ảnh minh họa: Kê khai tài sản, thu nhập)
- Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai
Điều 39 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 nêu rõ, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử…
- Kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc
Theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
+ Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
+ Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.
+ Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
- Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Điều 72 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau:
+ Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng;
+ Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.
Đức Hiếu