Admin
Phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sim “rác” điện thoại di động
Lượt xem: 1129
Theo ghi nhận từ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Hà Tĩnh, tháng 12/2019 đơn vị này đã triệt phá thành công 01 chuyên án đấu tranh với ổ nhóm có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng như sau:

Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo mua sim “rác” điện thoại (sim đã kích hoạt sẵn, không đăng ký chính chủ) gọi điện ngẫu nhiên đến các số thuê bao điện thoại ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong cả nước, chúng tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên các nhà mạng lớn… thông báo cho người bị hại là thuê bao của họ đã trúng thưởng chương trình khuyến mãi với trị giá giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng tiền mặt và xe máy đắt tiền như SH, AIR BLADE… Khi người bị hại tin tưởng, chúng yêu cầu họ phải nộp tiền phí để làm hồ sơ nhận thưởng (như phí làm biển số, tiền thuế giá trị gia tăng, phí tổ chức trao thưởng, phí chuyển quà, trích tiền làm từ thiện…) bằng hình thức mua thẻ cào rồi đọc mã thẻ cào cho chúng. Để tạo sự tin tưởng từ người bị hại, các đối tượng cho đồng bọn đóng thành các vai khác nhau như người trúng giải nhất, nhân viên của sở GTVT, cục Thuế, Công an, người chuyển phát quà tặng… Khi chiếm đoạt được thẻ cào từ người bị hại, các đối tượng nhanh chóng bán cho các đầu mối tiêu thụ ở các cấp khác nhau với giá từ 60%-65% giá trị thực của thẻ cào. Ngoài ra, một số đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định sẵn (những tài khoản ngân hàng này được các đối tượng mua thông tin trên mạng). Sau khi đã lừa đảo được người bị hại, các đối tượng tiêu hủy sim, điện thoại nhằm đối phó với hoạt động điều tra của các cơ quan chức năng.



Hình ảnh minh họa

Đây là một trong những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại mà các đối tượng nhắm đến là những người dân ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, hám lợi... Do vậy, khi đã bị các đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại có tâm lý sợ bị người khác chê cười, sợ bị phiền hà, kèm theo đó không biết đối tượng lừa đảo là ai, ở đâu và số tiền chiếm đoạt không lớn… nên phần lớn bị hại không trình báo với cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến cáo người dân hãy chủ động cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên và tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè, người dân khác biết, phòng ngừa. Thông qua đó, xác định những người bị hại và động viên họ đến cơ quan Công an nơi gần nhất trình báo để nhận được sự giúp đỡ./.
                                                             
ĐỘI TMCS