Máy kéo sơ mi rơ-moóc là loại phương tiện rất hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc vận chuyển nông sản của nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn. Loại phương tiện này chủ yếu hoạt động trong vườn rẫy, đường trơn trượt, lầy lội, dốc đá, nơi các loại phương tiện khác khó qua lại được. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp xe không giấy đăng ký, người điều khiển phương tiện không bằng lái, lái xe ra đường lớn, khu vực đông dân cư tiềm ẩn gây tai nạn giao thông.
Quy định rõ thời gian, lộ trình hoạt động
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 11-9-2022, trên ĐT754B thuộc ấp 9, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa môtô và xe máy kéo, hậu quả khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là anh H.T.D (SN 1984), hộ khẩu thường trú tỉnh Sóc Trăng. Theo hồ sơ vụ việc, tại thời gian, địa điểm nêu trên, anh D điều khiển xe môtô biển số 93P2-865… tông vào phía sau xe máy kéo biển số 61LA-38… kéo theo sơ mi rơ-moóc biển số 70RM-010… của một người dân đang đậu cùng chiều phía trước, dẫn đến tử vong. Mặc dù vụ việc đã được xử lý theo quy định pháp luật, song những nguyên nhân xảy ra tai nạn và các yếu tố liên quan vẫn được ngành chức năng huyện Lộc Ninh tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm, qua đó hạn chế mức thấp nhất tai nạn xảy ra liên quan đến loại phương tiện này.
Các chủ máy kéo xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh được tuyên truyền nội dung Quyết định số 605/QĐ-UBND của UBND tỉnh
Trung tá Trần Thanh Quyền, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Lộc Ninh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 về việc quy định phạm vi, thời gian cấm máy kéo tham gia giao thông các đoạn đường qua khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn trong huyện đồng loạt triển khai thống kê phương tiện máy kéo trên địa bàn. Qua đó, Đội CSGT Công an huyện phối hợp công an các xã tổ chức tuyên truyền đến chủ phương tiện thực hiện đúng quy định của tỉnh và các quy định liên quan về đăng ký xe, giấy phép lái xe, thời gian, địa điểm, tuyến đường, khu vực được hoạt động, không chở hàng quá khổ, quá tải...
Quyết định số 605/QĐ-UBND của UBND tỉnh cấm máy kéo, máy kéo nhỏ tham gia giao thông các đoạn đường qua khu vực đông dân cư. Thời gian cấm từ 16 giờ đến 9 giờ hôm sau. Trong khoảng thời gian này, máy kéo, máy kéo nhỏ không được di chuyển trên đoạn đường cấm hoặc cắt ngang giao lộ. Khu vực đông dân cư và lộ trình cấm do Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xác định và công bố.
Bổ sung hồ sơ theo quy định
Qua thống kê, toàn huyện Lộc Ninh có khoảng 700 xe máy kéo hoạt động tập trung tại các xã vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 28-3-2024, Đội CSGT Công an huyện Lộc Ninh đã tổ chức tuyên truyền nội dung Quyết định số 605 của UBND tỉnh, đồng thời dán giấy phản quang phía trước và sau 48 xe máy kéo của người dân xã Lộc Thịnh.
Ông Lâm Bắc ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh cho biết: Xe máy kéo được người dân sử dụng phổ biến. Tới mùa thu hoạch, phương tiện này là công cụ chính để vận chuyển nông sản. Hết mùa vụ, người dân sẽ dùng để chở củi, chở phân bón, cày xới đất trồng cây ngắn ngày, khoan lỗ trồng cà phê, cao su hoặc làm phương tiện xịt thuốc bảo vệ thực vật. “Đa số phương tiện không có giấy tờ. Người điều khiển cũng không có bằng lái. Rất mong ngành chức năng hỗ trợ người dân làm hồ sơ để được cấp biển số, giấy phép lái xe theo quy định” - ông Lâm Bắc cho hay.
Anh Điểu Bổn ở ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh chia sẻ: “Khi mới mua xe máy kéo thì các bộ phận như đèn chiếu sáng, gương quan sát, hệ thống thắng… đều đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình đi rẫy khiến mọi thứ hao mòn, hư hỏng dần, người dân ít sửa chữa, vì rất tốn tiền. Nay được Công an huyện tuyên truyền mới thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn giao thông, cũng như những điều kiện bắt buộc khi điều khiển phương tiện này”.
Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lộc Ninh dán phản quang trên xe máy kéo cho người dân
Trong số các chủ phương tiện có mặt tại buổi tuyên truyền và dán phản quang trên xe máy kéo tại xã Lộc Thịnh ngày 28-3-2024, chị Thị Bé ở ấp Tà Thiết là trường hợp nữ duy nhất điều khiển phương tiện tới. Chị Bé cho biết: “Ở vùng sâu, vùng biên giới này, máy kéo có nhiều tiện ích trong đời sống sản xuất. Hộ nào có máy kéo thì nhiều thành viên trong gia đình đều biết điều khiển, kể cả phụ nữ. Chúng tôi lái máy kéo cày xới, vận chuyển được trên mọi địa hình, vừa phục vụ công việc gia đình vừa làm thuê kiếm thêm thu nhập. Do vậy, chúng tôi rất cần được ngành chức năng hỗ trợ để ổn định cuộc sống”.
Từ năm 2022 tới nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy kéo, khiến 1 người tử vong. Tuy nhiên, hoạt động của loại phương tiện này tiềm ẩn phức tạp. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã và đang tiếp tục thống kê phương tiện, hộ sử dụng, xác minh thông tin liên quan đến phương tiện và người lái. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị Sở Giao thông vận tải thẩm định, bổ sung hồ sơ và các điều kiện cần thiết giúp người dân đăng ký xe, học, cấp bằng lái theo quy định.
Trung tá TRẦN THANH QUYỀN, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Lộc Ninh
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định, có giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái xe máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ôtô tải và máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Hạng C cấp cho người lái xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2. Trong quá trình lưu thông trên đường, người điều khiển xe máy kéo cần mang theo các giấy tờ: đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy kéo, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự.