Công an tỉnh Bình Phước
Giáo dục kĩ năng cơ bản đảm bảo an toàn cho trẻ em
Lượt xem: 113
Giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết góp phần chăm sóc bảo vệ trẻ em. Để giúp trẻ dễ dàng thích nghi, chủ động ứng phó, tự bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã và đang chung tay thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn cho trẻ.

Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em, thanh thiếu niên, chỉ đứng sau tai nạn đuối nước. Chính vì vậy, để nâng cao kiến thức và trang bị những kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho các em, những năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục, các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông trong nhà trường, gia đình và các em học sinh. Thông qua các buổi học ngoại khoá, các em học sinh được tìm hiểu về Luật giao thông đường bộ, các kĩ năng tham gia giao thông an toàn. Với từng độ tuổi, lực lượng chức năng sẽ có từng giáo án tuyên truyền phù hợp, đảm bảo sự thu hút và giúp các em dễ ghi nhớ, dễ tiếp cận thực hành. Trung uý Trương Phi Long, Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh chia sẻ, “đối với học sinh tiểu học, chúng tôi tập trung tuyên truyền bằng những trò chơi vui, đơn giản. Qua đó, truyền đạt những vấn đề dễ hiểu cho các em như là chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chấp hành hệ thống đèn báo hiệu, tín hiệu đường bộ. Như vậy các em sẽ dễ tiếp thu hơn. Mỗi lần các em trả lời đúng thì đều có những phần quà để khích lệ, động viên và thu hút các em tham gia hoạt động do cán bộ tuyên truyền tổ chức”. Trung uý Trương Phi Long cũng cho biết thêm, với lứa tuổi trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, việc tuyên truyền sẽ tập trung vào hướng dẫn những kĩ năng cơ bản khi tham gia giao thông. “Ở lứa tuổi này, các em đã lớn và đã tham gia điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, nhận thức của các em cũng đầy đủ hơn nên nội dung các buổi tuyên truyền cũng cần phải thay đổi cho phù hợp, đảm bảo cho các em dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực hành”.

anh tin bai

Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trải nghiệm thực tế và thực hành các kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích cũng rất được chú trọng. Để tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội tham gia trải nghiệm thực tế, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các trường học, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tổ chức cho các em đến tham quan và thực hành kĩ năng trong dịp hè. Các em học sinh được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, xử lý tình huống khi xảy ra cháy, đặc biệt là cách nhận biết đám cháy, cách xử lý khi có cháy, cách thoát ra ngoài an toàn và tránh hít phải khói khí độc. Đây là những kiến thức vô cũng hữu ích, thiết thực bởi trong mỗi vụ cháy, các em nhỏ thường là những nạn nhân đầu tiên bởi các em không biết cách xử lý và thoát hiểm như thế nào. “Việc trải nghiệm cực kì quan trọng vì nếu không có trải nghiệm, các em sẽ rất khó hình dung được phải làm như thế nào. Còn qua các buổi trải nghiệm thực tế, trải qua một đám cháy giả định với khói, quy trình thoát nạn, các em sẽ biết được trong tình huống đó mình phải làm gì, thoát ra khỏi đám cháy như thế nào để bảo vệ bản thân”, Thượng uý Trần Quốc Trưởng, Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh nói.

Để phát triển toàn diện, bên cạnh việc nắm vững kiến thức giáo dục từ nhà trường, trẻ cần được dạy các kĩ năng cơ bản và trưởng thành trong môi trường lành mạnh. Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với những kĩ năng thực tế không chỉ giúp trẻ quen dần với các kĩ năng mà còn giúp trẻ học được cách tự bảo vệ bản thân trước những sự cố bất ngờ xảy ra. Chính vì vậy, sự chung tay của lực lượng chức năng và của toàn xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục các kĩ năng ứng phó sẽ góp phần quan trọng trong giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. Đại uý Lại Tiến Sĩ, Trưởng ban Thanh niên, Công an tỉnh nhấn mạnh, “Ban Thanh niên sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban thanh thiếu nhi trường học tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền theo hướng đổi mới bằng những hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu về những vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt như tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích.

Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và được bảo vệ không bị xâm hại, không bị phân biệt đối xử. Do đó, việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ sẽ từng bước kiểm soát tình hình tai nạn thương tích cho trẻ em, giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn thương tâm, đau lòng ở con trẻ.

Thu Thảo – Minh Chính