Bài 1: Lê nin vị Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức
V.I Lê-nin sinh năm 1870 mất 1924, là nhà tư tưởng vĩ đại, kế thừa sáng tạo và phát triển của chủ nghĩa Mác và Ăng-ghen, Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới và của các dân tộc bị áp bức. Người lãnh đạo cuộc Cách mạng vô sản tháng Mười vĩ đại, Người khai sinh Nhà nước Liên bang CHXHCN Xô-viết. Lúc sinh thời sống chan hoà với nhân dân lao động đầy ắp tình người, Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại hướng tới hoà bình, văn minh, ấm no, hạnh phúc thật sự, bình đẳng thật sự, bác ái cho mọi dân tộc và mọi công dân của thế giới văn minh. Tư tưởng vĩ đại của Lênin là giữ vững nguyên tắc tính đảng, tư tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và chống áp bức dân tộc còn nguyên giá trị và tính thời sự, nhất là trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học, CNXH hiện thực tại một số quốc gia và công cuộc bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức.
V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác và phát triển Chủ ngĩa Mác và Ăng-ghen
V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại của mọi thời đại, chính trị gia kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lênin là nhà lãnh đạo xuất sắc nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xô-viết. Năm 1895, V.I.Lênin thành lập Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Là linh hồn của Liên hiệp, V.I.Lênin bị bắt và bị tù 14 tháng, sau đó bị lưu đày ba năm tại làng Shushenskoye thuộc vùng Krasnoyarsk. Sau một thời gian sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Phần Lan, Pháp, V.I.Lênin trở về nước Nga vào thời kỳ đầu cuộc Cách mạng Tháng Hai (02/1917). Tối 02/4/1917, trong một cuộc họp tại ga Phần Lan ở Thành phố Petrograd (Saint Petersburg ngày nay), Ông có bài phát biểu súc tích ngắn gọn, trong đó kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong năm 1917, Ông viết Luận cương Tháng Tư, phác thảo chương trình táo bạo chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa và cũng bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy vũ trang lật đổ Chính phủ lâm thời. V.I.Lênin là người có công sáng lập học thuyết về đảng kiểu mới, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, chống căn bệnh quan liêu, căn bệnh ấu trĩ, nghiêm khắc lên án chủ nghĩa quan liêu, bệnh hình thức, bệnh chạy theo thành tích ảo, lên án bệnh nói dối, chủ nghĩa cơ hội, hoạt đầu chính trị và thói mị dân.
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25/5/1919. Ảnh: Tư liệu
V.I.Lênin là người có công truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20. Ông và các đồng chí của mình đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sau Cách mạng Tháng Mười, quyền lực được chuyển giao hoàn toàn cho đảng Bolshevik. Một thời đại mới trong lịch sử nhân loại bắt đầu. Đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và dân chủ, nước Nga là “thành trì” không gì lay chuyển của quốc gia độc lập có chủ quyền và tự do thật sự cho mọi công dân.
Tại cuộc họp của Đại hội Xô-viết toàn Nga lần hai họp vào đêm 07/11/1917 (tức 25/10 theo lịch Nga cũ), V.I.Lênin công bố hai sắc lệnh về hòa bình và đất đai. Đất đai của địa chủ và người giàu, cũng như các cơ sở công nghiệp, ngân hàng và giao thông vận tải bị chính quyền Xô Viết tịch thu và quốc hữu hóa, trở thành tài sản của toàn dân. Trong các tác phẩm của mình, V.I.Lênin tập trung bàn về vấn đề đất đai về hòa bình và dân chủ, chống chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa cơ hội. Dựa trên nghiên cứu về quan hệ nông nghiệp ở nhiều quốc gia, V.I.Lênin đã đề xuất chương trình cải cách nông nghiệp, quan tâm nhiều hơn đến nông dân, nông thôn. Cuộc đấu tranh của nông dân để tiêu diệt thành phần địa chủ và tàn dư của chế độ nông nô tiến tới xóa bỏ áp bức dân tộc và chủ nghĩa đô hộ.
V.I.Lênin yêu cầu nhất quán trong hệ thống quản lý nhà nước thống nhất, kỷ luật nghiêm minh trong Đảng và chính quyền nhân dân do Đảng lãnh đạo, giữ nghiêm phép nước tại công sở. Ông đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới – NEP” khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, năng động - thích nghi thời cuộc; Ông nghiêm khắc lên án chủ nghĩa quan liêu, xa rời thực tiễn, bệnh chủ quan duy ý chí, bệnh nóng vội; chống bảo thủ, trì trệ và căn bệnh lười suy nghĩ, lười hành động, bệnh chạy theo thành tích ảo, bệnh hình thức… Ông đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười. Nhấn mạnh về sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện điện khí hóa và tăng cường hợp tác quốc tế với nhiều hình thức. Với “Chính sách kinh tế mới-NEP”, theo quan điểm của V.I.Lênin, lợi ích kinh tế như đòn bẩy tạo động lực, tính tích cực của công nhân, nông dân, trí thức. Quan điểm này được đánh giá là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực; coi trọng cả đời sống tinh thần và vật chất của người dân, nhất là người có nhiều cống hiến cho đất nước và nhân dân.
Di sản của toàn nhân loại yêu hòa bình có lương tri
Lúc sinh thời Lênin sống chan hòa với nhân dân lao động, vui niềm vui của dân, khổ cái khổ của dân. Nhân loại yêu hòa bình có lương tri tưởng nhớ V.I. Lênin - chính trị gia lỗi lạc, nhà tư tưởng vĩ đại và nhà lý luận vĩ đại, xuất chúng; tiên đoán về sự vận động của lịch sử, sự phát triển của loài người và phác thảo tương lai thế giới mới, nơi sức lao động, công lý, chủ nghĩa nhân văn và phẩm giá được tôn vinh. Một thế giới nơi người lao động trở thành trung tâm chính sách của nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; Lênin nhấn mạnh, Đảng phải có kế hoạch thật tốt và tổ chức thực hiện kế hoạch có hiệu quả thật sự “bắc nhiều nhịp cầu” để đi tới CNXH và Chủ nghĩa cộng sản; không thể chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn để đưa nhân loại đi lên CNXH bằng quyết định chủ quan, duy ý chí. V.I.Lênin nhận định: con người có khả năng nhận thức thế giới và có khả năng cải tạo thế giới, để cải tạo thế giới cần một đảng kiểu mới, Đảng phải tập hợp được những người thật sự ưu tú, có năng lực trí tuệ, năng lực hoạt động thực tiễn và có bản lĩnh, có trách nhiệm trước lịch sử và trước nhân dân; và đó là lý do ra đời đảng Bolshevik. Đảng Cộng sản do V.I.Lênin sáng lập là tấm gương sáng cổ vũ phong trào vô sản và giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Ông là một chính khách toàn tài, thực hiện quản lý bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, hòa bình, dân chủ, đồng thời có kỷ luật nghiêm minh.
Là một trong những người đầu tiên chứng minh vai trò lịch sử của giai cấp công nhân Xô-viết, đó là lực lượng cách mạng hàng đầu, tiên phong của xã hội, đưa ra ý tưởng về một liên minh của giai cấp công nhân - nông dân và trí thức, là nền tảng chính cho chiến thắng của cách mạng dân chủ và xã hội chủ nghĩa khoa học hướng tới Chủ nghĩa cộng sản hiện thực. Đối với các dân tộc châu Á trong đó có Việt Nam, châu Phi và Mỹ latinh, tư tưởng của ông về con đường phát triển có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, những học thuyết và tư tưởng của Ông được nhân dân các dân tộc bị áp bức, thực dân xâm lược vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tiễn tiến tới đấu tranh lật đổ thế lực thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1, Mác và Ph.Ăng ghen Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội 1995;
2, Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ. Matxcơva, 1976;
3, Giáo trình Lịch sử phong trào công nhân, công đoàn thế giới và Việt Nam, trường Đại học Công đoàn 2000;
4, Giáo trình Lịch sử thế giới cận đại (Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng) Nhà XBGD Việt Nam, 1996;
5, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011;
6, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011;
7, Hồ Chí Minh (1957), “Bài phát biểu tại khóa họp Tối cao Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 40 năm
Cách mạng Tháng Mười”;
9, Trang thông tin Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Bài 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác và Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam