Công an tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác “Hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người”
Công tác phòng, chống mua, bán người được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cung như hỗ trợ nạn nhân, tuy nhiên, thực tế là trong thời gian qua, tình hình tội phạm về mua bán người tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm này chưa theo kịp được yêu cầu. Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thực hiện công tác “Hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trong Công an nhân dân năm 2021, ngày 23/4/2021, Công an tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-CAT-PV01 để triển khai thực hiện trong toàn lực lượng Công an tỉnh với một số nội dung trọng tâm như sau:
Về mục đích, yêu cầu:
Tổ chức triển khai công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người trong toàn lực lượng Công an tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị.
Việc triển khai công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người phải được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật; phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, trại và Công an các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Hoàn thành các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đề ra.
Các nhiệm vụ trọng tâm: Các đơn vị được phân công nhiện vụ chủ trì, phối hợp tập trung hoàn thành các nội dung chính, gồm:
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người trong Công an tỉnh;
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo tổng kết 09 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, trên cơ sở kết quả tổng kết, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người;
- Nghiên cứu chính sách về phòng, chống mua bán người để phục vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người;
Hình minh họa: Lực lượng công an đã giải cứu nhiều trẻ sơ sinh khỏi đường dây mua bán người
do Mai Minh Chung, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cầm đầu năm 2021
- Đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Tiếp tục triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong Công an nhân dân trong đó có những quy định liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán;
- Đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về mua bán người thông qua việc gửi văn bản, tài liệu, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn,... nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện phòng, chống tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Tổ chức thực hiện: Căn cứ những nội dung trên, Giám đốc Công an tỉnh giao Phòng Phòng Tham mưu chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự giúp Giám đốc Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và báo cáo Bộ Công an tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch này.
Các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch và báo cáo kết quả về Giám đốc Công an tỉnh để theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Công an.
Trong tình hình hiện nay, đã phát sinh rất nhiều các thủ đoạn mới, đa dạng của loại tội phạm mua bán người mà thực tế là việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm này chưa theo kịp được yêu cầu, phổ biến là thủ đoạn: Lợi dụng khó khăn về kinh tế, trình độ học vấn thấp, mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó nhiều trường hợp lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, trong thực hiện các chính sách của nhà nước để lừa bán người ra nước ngoài dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép mại dâm, cưỡng ép kết hôn; lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo thanh niên đi du lịch, mua sắm hoặc lao động có thu nhập cao sau đó đưa ra nước ngoài bán; lợi dụng chính sách mở cửa thông thoáng trong thủ tục xuất, nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành thuận lợi, một số nước miễn thị thực cho nên đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng thăm thân, lao động trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức,.. Do vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người chính là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong việc góp phần thực hiện thành công Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; các tổ chức, cá nhân hãy quan tâm đóng góp ý kiến trong việc góp phần xây dựng các quy định pháp luật đối với loại tội phạm này; quần chúng nhân dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm mua, bán người, khi phát hiện những hành vi nêu trên nhanh chóng báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời.
Xuân Quynh