Admin
Triển khai thực hiện Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Lượt xem: 344
Ngày 6/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ (gọi là đối tượng đặc thù) giai đoạn 2018 – 2021” năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (viết gọn là Đề án).



Ảnh: Tổ chức tuyên truyền cho phạm nhân (nguồn: internet)

Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Đề án, bảo đảm triển khai đồng bộ các biện pháp, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho các đối tượng của Đề án; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức triển khai nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, sát với đặc thù của các nhóm đối tượng, tình hình thực tiễn tại từng cơ sở, địa bàn để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực.

Tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động của các chủ thể được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; các nội dung đề ra phải bảo đảm tính khả thi để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Đồng thời chú trọng lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện Đề án. 

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong những năm qua, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về sự cần thiết phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc Đề án.

Nội dung trọng tâm của Kế hoạch bao gồm:

(1) Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành: Xây dựng, ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện Đề án năm 2021; Kiểm tra, đánh giá, kết quả thực hiện Đề án…

(2) Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án.

(3) Tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó chú trọng áp dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức trực quan, sinh động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao và đúng định hướng, trong đó chú trọng áp dụng các hình thức như: hỏi đáp, tư vấn pháp luật với chuyên gia; xây dựng và phát hành phim, phóng sự, tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật, nêu gương người tốt, việc tốt…

(4) Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án: Tổ chức đánh giá hiệu quả việc xây dựng và áp dụng mô hình điểm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc Đề án.

(5) Cấp phát tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án.

(6) Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó chú trọng duy trì, đổi mới, đa dạng nội dung tuyên truyền trên các chuyên trang, chuyên mục để phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn với nội dung ngắn gọn, dể hiểu; tăng cường tuyên truyền qua mạng xã hội, trang/cổng thông tin điện tử…

(7) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng của Đề án bằng nhiều hình thức, bảo đảm tính phổ cập, thiết thực, hình thức thi sinh động, hấp dẫn, sáng tạo, thu hút đông đảo người tham gia, việc tổ chức tiết kiệm, khoa học, hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng cần tuyên truyền

(8) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

(9) Rà soát nhu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ thực hiện Đề án và trang bị theo yêu cầu thực tế của các cơ sở, địa phương bảo đảm đầu tư có trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả.

(10) Khuyến khích, huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án thông qua các chương trình phổ biến, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý, tư vấn, hỗ trợ việc làm, cung cấp tài liệu, trang thiết bị phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch; định kỳ tổ chức tổng kết, kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án và báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Đề án.

Đức Hiếu