Admin
Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Lượt xem: 381
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật BVMT 2020 gồm 16 chương 171 điều, quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Ngày 23/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BVMT số 55/2014/QH13 (viết gọn là Luật BVMT 2014). Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật BVMT 2014 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần. Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, Luật BVMT 2014 cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xuất phát từ các lý do chính sau:

Thứ nhất, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường của nhiều khu vực vào một số thời điểm đã vượt ngưỡng cho phép.

Thứ hai, Luật BVMT 2014 qua hơn 05 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi.

 

Ảnh: Kết quả biểu quyết thông qua Luật BVMT năm 2020 (nguồn internet)

Thứ ba, Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế – xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu.

Thứ tư, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường được ban hành, nhiều cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cần được thể chế hóa kịp thời.

Do đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Luật BVMT năm 2020 (viết gọn là Luật BVMT 2020) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật BVMT 2020 gồm 16 chương 171 điều, quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. 

Riêng nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được quy định trong Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021, bao gồm các nội dung: (1) Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với chiến lược bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan; (2) Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án; (3) Nhận diện các yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có); (4) Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường; (5) Xác định những vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Sau đây là một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể là:

Luật BVMT 2020 áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Luật BVMT năm 2020 mới lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Luật BVMT 2020 được bố cục lại so với Luật BVMT 2014, đưa quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho những chính sách BVMT khác.

Luật BVMT 2020 đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.

Lần đầu tiên, Luật BVMT 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật BVMT 2020 cũng tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Luật BVMT 2020 đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán.

Luật này đã quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT (Điều 6), bao gồm: 

Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về BVMT; xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường; phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên;

Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí; thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức; nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế;

Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động BVMT dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường; 

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ozone theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 

Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên; phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động BVMT; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về BVMT.

Đáng chú ý, Luật BVMT 2020 đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trong đó quy định Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT (điểm c, khoản 1, Điều 160).

Bổ sung quy định về hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp kiểm tra để giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Luật này. Theo đó khoản 3 Điều 160 quy định cụ thể như sau:

Việc kiểm tra đột xuất không báo trước của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT được thực hiện khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định;

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cán nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT đến cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cùng cấp để tổng hợp, theo dõi.

Bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về BVMT có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường (khoản 2 Điều 161).

Trên đây là một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về những quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, từ đó chung tay góp sức bảo vệ môi trường.

Đức Hiếu