Admin
Điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình vận chuyển xăng dầu bằng xe ô tô xi téc
Lượt xem: 1141
Xăng dầu là một loại hàng hóa có nguy hiểm về cháy, nổ và dễ xảy ra sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn trong quá trình vận chuyển.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, vào chiều 10/9 trên đường ĐT755, địa bàn thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Chiếc xe bồn chở xăng phát nổ, ngọn lửa bốc lên bao trùm chiếc xe bồn và chiếc xe tải chở nước ngọt chạy phía sau. Nhận tin báo Công an xã đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường cùng người dân tại chỗ tổ chức chữa cháy. Tuy nhiên do ngọn lửa cháy rất lớn và xe bồn có thể phát nổ tiếp bất cứ lúc nào. Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã nhanh chóng điều 2 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ chiến sỹ đã có mặt tại hiện trường. Đám cháy đã được dập tắt nhưng chiếc xe bồn đã bị thiêu rụi, xe ô tô tải phía sau cũng bị hư hại nặng. Tài xế xe bồn bị bỏng nặng, được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Các lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường phục vụ công tác điều tra nguyên nhân xảy ra vụ cháy nổ. 



Ảnh: Lực lượng PCCC và CHCN đang tiến hành dập tắt vụ cháy xảy ra ở Bù Đăng

Trước đó, vào ngày 22/11/2018 trên tuyến Quốc lộ 13 thuộc địa phận xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cũng đã xảy vụ cháy do xe bồn gây tai nạn với xe ba gác sau đó lao vào cột điện. Xe bồn bị lật, xăng dầu tràn ra ngoài gây cháy làm 06 người chết, thiêu hủy hoàn toàn xe ô tô xi téc chở xăng dầu cùng 19 căn nhà. 



Ảnh: Hiện trường sau vụ cháy xảy ra ở Chơn Thành

Để hạn chế các sự cố cháy nổ xảy ra trong quá trình vận chuyển xăng dầu bằng xe ô tô xi téc ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông đường bộ, xe ô tô xi téc vận chuyển xăng dầu phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và mục 1 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa, cụ thể như sau:

Một là, có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an (trên xe phải có chữ “CẤM LỬA” và biểu tượng cấm lửa bảo đảm theo quy cách, mẫu theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 149/2020/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCCC và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).

Hai là, hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC như không phát sinh tia lửa, dây dẫn điện bằng lõi đồng phải bảo đảm cách điện và có tiết diện theo thiết kế.

Ba là, có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an, cụ thể: Trang bị tối thiểu 02 bình bột chữa cháy xách tay từ 4kg, 01 kìm cộng lực, 01 búa, 01 đèn pin phòng nổ (đối với phương tiện có trọng tại từ 5 tấn trở lên phải trang bị 03 bình chữa cháy) theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 148/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020.

Bốn là, có quy định, phân công nhiệm vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Năm là, động cơ của xe phải được cách ly với khoang chứa hàng hóa bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định.

Sáu là, ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ, như cụm ống xả và ống giảm thanh được thiết kế, lắp đặt phía đầu xe.

Bảy là, sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy. Phương tiện phải bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, cụ thể: Xi téc được làm bằng kim loại (thép hoặc inox), được sơn bảo vệ và phải được kiểm định kỹ thuật theo quy định tại Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN 05:2017). Xi téc phải được lắp đặt chắc chắn, cố định nằm song song với khung xe ô tô. Kết cấu của xi téc phải cứng, bền chắc, đảm bảo không thay đổi dung tích khi đong chứa và vận chuyển, chịu được áp suất dư không nhỏ hơn 0,8 bar (đơn vị đo áp suất).

Tám là, phải có xích tiếp địa trong đó vật liệu làm xích và kích thước của xích phải bảo đảm sự tích điện ở xi téc khi vận hành dưới mức nguy hiểm cho phép.

Chín là, phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ dán ở phía trước, hai bên và phía sau xe.

Đối với người điều khiển xe ô tô xi téc chở xăng dầu phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, người điều khiển và người làm việc trên xe ô tô xi téc vận chuyển xăng dầu phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và có chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP cũng quy định khi vận chuyển xăng dầu trên đường bộ phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP). Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 17 và khoản 1, khoản 5 Điều 18 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP. Giấy phép có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị 01 lần đối với xe ô tô xi téc chở xăng dầu có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với xe ô tô xi téc chở xăng dầu theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

 

Nguyễn Đức Hiếu