Admin
Một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đang được Bộ Công an lấy ý kiến toàn dân
Lượt xem: 601
Sau hơn 02 năm ban hành và có hiệu lực, Luật An ninh mạng năm 2018 đã thực sự đi vào cuộc sống, là bộ luật thiết thực, hiệu quả, tạo dựng được niềm tin trong quần chúng nhân dân, đánh dấu một bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ, quản lý không gian mạng, phòng, chống, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về an ninh mạng còn thiếu mảnh ghép quan trọng là văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, tham mưu ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng và đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, địa chỉ truy cập: http://bocongan.gov.vn để lấy ý kiến toàn dân từ 20/9/2021 đến 20/11/2021, nội dung dự thảo Nghị định có một số nội dung mới, như sau:

Về bố cục dự thảo: Dự thảo Nghị định gồm 04 chương, 51 điều, gồm:

- Chương I: Những quy định chung, nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt (từ Điều 1 đến Điều 7).

- Chương II: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (từ Điều 8 đến Điều 42).

- Chương 3: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính (từ Điều 43 đến Điều 47).

- Chương 4: Điều khoản thi hành (từ Điều 48 đến Điều 51).



(Hình minh họa)

Về một số quy định cụ thể:

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là 01 năm; các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, cung cấp, khai thác, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm (khoản 1, Điều 3).

- Nghị định đã quy định các biện pháp khắc phục hậu quả rất phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó có nhiều biện pháp chưa được đề cập tại các nghị định xử phạt hành chính khác, tiêu biểu: Buộc gỡ, xóa thông tin đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng; buộc xóa dữ liệu bị chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép; buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ (khoản 3, Điều 4).

- Nghị định quy định mức phạt tiền tại Chương II được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1, Điều 5), đồng thời, doanh nghiệp vi phạm hành chính có thể bị áp dụng mức phạt tiền gấp 5 lần mức phạt tiền đối với cá nhân hoặc 5% doanh thu của doanh nghiệp (khoản 2, Điều 5).

- Nghị định quy định cụ thể về thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự (Điều 6) để hạn chế tối đa những vướng mắc phát sinh trong việc chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi của Nghị định xảy ra trong môi trường không gian mạng, do vậy việc xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là rất quan trọng, nên Nghị định đã quy định cụ thể để hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc áp dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm, cụ thể: Đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng tại Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ; đối với hành vi đăng ký, thông báo, thực hiện thủ tục hành chính, không gửi, không ban hành quy định nội bộ, ban hành quy định nội bộ không đúng quy định pháp luật theo quy định tại Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày đăng ký, thông báo, thực hiện thủ tục hành chính, gửi, ban hành quy định nội bộ; đối với các hành vi vi phạm khác, cơ quan thụ lý vụ việc căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, hồ sơ, tài liệu và tình tiết của từng vụ việc cụ thể để xác định hành vi vi phạm đã kết thúc hay hành vi vi phạm đang thực hiện.

- Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.

- Đối với các hành vi vi phạm cụ thể, Nghị định đã quy định rất cụ thể hành vi vi phạm, phù hợp tình hình hiện nay, việc này tạo sự thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu của cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động kinh doanh, giao lưu, tương tác,… trên không gian mạng để từ đó có ý thức phòng ngừa vi phạm các quy định của pháp luật đồng thời là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền áp dụng xử phạt các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm cũng có khung hình phạt “cao” so với các nghị định xử phạt hành chính khác, nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, ổn định, một số quy định xử phạt nổi bật đối với các hành vi vi phạm, gồm:

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với các hành vi: Phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung kêu gọi, tổ chức, thực hiện cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người khác nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tiến hành các hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;…

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Làm ra và phát tán thông tin có nội dung kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự; làm ra và phát tán thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; làm ra và phát tán thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật về chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng;…

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;… 



(Hình minh họa: Một nam nghệ sỹ có hành vi livestream trên mạng xã hội và có có những lời lẽ văng tục,
chửi bới, gây bức xúc trong dư luận

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; làm ra và phát tán thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;…

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Làm ra và phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; làm ra và phát tán thông tin có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;… 



(Hình minh họa: Một kênh Vlog thường xuyên đăng tải những video có nội dung “ma, quỷ” để thu hút người xem
nhằm mục đích câu view, gây hoang mang trong nhân dân, có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc)

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Làm ra, lưu trữ thông tin thuộc bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet hoặc trao đổi thông tin mang bí mật nhà nước trên không gian mạng trái quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; đưa lên không gian mạng thông tin thuộc bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;…

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Dữ liệu cá nhân được xử lý trái quy định của pháp luật; chủ thể dữ liệu không được biết và không được nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình;…

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Mua bán dữ liệu cá nhân dưới 10.000 chủ thể dữ liệu; chuyển giao dữ liệu cá nhân cho Bên thứ ba không có liên quan tới mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã được chủ thể dữ liệu đồng ý;…

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không triển khai các biện pháp kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; không ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em;…

Trên đây là một số điểm mới nổi bật của Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, hy vọng rằng, qua bài viết này, tác giả đã phần nào truyền tải được những nội dung mới, quan trọng để bạn đọc nghiên cứu và góp ý xây dựng Nghị định khách quan, minh bạch, dân chủ, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo tính thực tiễn khi áp dụng và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa./.

Vũ Xuân Quynh