Admin
Quy định của pháp luật về hành vi không chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19, chống người thi hành công vụ
Lượt xem: 1248
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, tại các địa phương đã thành lập các chốt kiểm soát y tế để quản lý người dân và các phương tiện ra vào địa bàn thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện việc test nhanh Covid-19. 

Đa số người dân đều hưởng ứng, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều trường hợp không những không chấp hành các quy định khi qua chốt kiểm soát mà còn có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Như là: 

- Vụ xảy ra lúc 8h30 ngày 15/7/2021, đối tượng Nguyễn Quốc Bảo điều khiển xe máy lưu thông hướng Bà Rịa-Vũng Tàu qua xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhưng không đội nón bảo hiểm và không đeo khẩu trang. Khi đến chốt kiểm dịch số 2 đặt tại thôn Suối Tứ do UBND xã Thắng Hải tổ chức, thì anh Hồ Văn Thành là lực lượng dân quân xã Thắng Hải, trực chốt ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Lúc này, Nguyễn Quốc Bảo không chấp hành, mà điều khiển xe máy bỏ chạy về hướng xã Thắng Hải thì gặp 3 cán bộ kiểm dịch trong chốt kiểm dịch số 2 đang đi tuần tra tiếp tục chặn lại. 



Ảnh: Hai cha con đối tượng Bảo cầm dao, rựa cố thủ trong nhà

Bất ngờ, Bảo dừng xe lấy trong cốp ra 1 con dao chạy đến đâm thẳng vào người anh Đoàn Trường Sơn, cán bộ tư pháp hộ tịch xã Thắng Hải nhưng anh này đã né được, bỏ chạy trước sự hung hãn của Bảo. Sau đó, Nguyễn Quốc Bảo quay xe chạy ngược lại chốt kiểm dịch số 2. Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Tưởng, công an viên xã Thắng Hải đuổi theo thì bị Bảo ép ngã xuống đường. Bảo tiếp tục bỏ chạy về nhà ở ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cố thủ bên trong. Chốt kiểm dịch sổ 2 đề nghị Công an xã Thắng Hải hỗ trợ lực lượng. Đến 12h45 phút, Bảo bất ngờ mở cửa nhà lao ra ngoài, dùng rựa xông ra chém vào đầu một công an viên xã Hòa Hiệp làm bể nón bảo hiểm. Chưa dừng ở đó, Bảo tiếp tục dùng rựa rượt đuổi, chém lực lượng Công an, trong đó thượng úy Hoàng Văn Dương, bị chém gần đứt lìa cánh tay phải. Sau đó, Bảo và cha mình là Nguyễn Quốc Dũng đã vào nhà đóng cửa lại và tiếp tục cố thủ. Lực lượng công an đã phải cạy cửa và sử dụng hơi cay vì cả hai cha con Bảo dùng rựa, dao cố thủ, chống trả rất ngoan cố. Đến khoảng 21h ngày 15/7, sau nhiều giờ tiếp cận để thuyết phục, cha của Bảo đã chấp nhận buông hung khí ra trình diện. Riêng Bảo vẫn tiếp tục cố thủ trong nhà. Lực lượng Công an đã tiến hành xịt hơi cay vào nhà, Bảo đạp cửa trước, vung rựa chém loạn xạ vào lực lượng Công an và tẩu thoát vào vườn chuối, sau đó trốn vào rừng. Trong đêm 15/7, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo nhiều lực lượng, phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Thuận tuần tra, vây bắt đến sáng nay 16/7, lực lượng Công an đã bắt giữ được Bảo.

- Vào khoảng 20 giờ 30 ngày 29/8/2021, tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 số 5, trên QL14, thuộc địa bàn ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú. Vào thời điểm này tổ công tác tại chốt phát hiện Trương Thái Hào, 45 tuổi tạm trú ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú điều khiển xe mô tô chạy theo hướng từ TP.Đồng Xoài đi huyện Bù Đăng nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Hào chỉ xuất trình được 1 giấy phép lái xe của mình. Lúc này đồng chí Lê Ngọc Sáng, Công an viên xã Đồng Tiến đã thông báo và giải thích cho Hào biết, địa bàn xã Đồng Tiến vẫn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống COVID-19. Hào đã bị lập biên bản vì vi phạm khi ra khỏi nhà không có lý do cần thiết. Sau đó Hào đã bỏ đi, đến khoảng 22 giờ 30 cùng ngày Hào quay lại chốt la hét gây mất trật tự và yêu cầu đồng chí Sáng trả lại giấy phép lái xe cho mình, tiếp đó đã vung dao chém thẳng vào người đồng chí Sáng. Đồng chí Sáng đã kịp thời phản ứng đỡ văng con dao trên tay Hào, bị đỡ văng dao Hào đã bỏ chạy. Công an huyện Đồng Phú đã tiến hành tạm giữ Hào để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.  


Ảnh: Đối tượng Hào và hung khí gây án

Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, hành vi không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19, chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trước hết, theo quy định của pháp luật thì người thi hành công vụ được hiểu bao gồm những người sau: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội (khoản 1, Điều 3, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ).

Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao (khoản 2, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP).

Tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân: Không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ; các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ.

Theo đó, đối với người không chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Quy định xử phạt vi phạm hành chính:

Nếu người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hành vi cản trở, chống lại thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Quy định về xử lý hình sự

Nếu người vi phạm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm tù. Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19, chống người thi hành công vụ, từ đó nâng cao ý thức pháp luật, chung tay cùng nhau ngăn chặn, phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn ra.

Nguyễn Đức Hiếu