Admin
Gây rối trong bệnh viện bị xử lý như thế nào?
Lượt xem: 809
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), bác sĩ còn được dân gian gọi là thầy thuốc - là người duy trì, phục hồi sức khỏe con người bằng cách nghiên cứu, chẩn đoán và chữa trị bệnh tật, thương tật dựa trên kiến thức về cơ thể con người. Thầy thuốc có thể là bác sĩ đa khoa hay bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tây y hay thầy thuốc đông y (dùng thuốc nam, thuốc bắc). Thành ngữ Việt Nam có câu “Lương y như từ mẫu”, ý nói thầy thuốc phải là người có y đức, chăm sóc người bệnh giống như mẹ hiền.

Thế nhưng thật đáng buồn là thời gian gần đây, có không ít người thân, người nhà của bệnh nhân đã quá khích đến mức chửi bới, lăng mạ và thậm chí hành hung gây thương tích cho những người được xã hội tôn vinh là “mẹ hiền”. Chỉ cần gõ vào tìm kiếm trên Google cụm từ “bác sĩ bị hành hung” thì chỉ sau 0,43 giây sẽ cho ra khoảng 4.140.000 kết quả có liên quan. Cụ thể là vào ngày 17-4-2017, Báo VnExpress cho biết, ngày 13-4, một bệnh nhi 10 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, với chẩn đoán tiêu chảy do rotavirus. Ngày 16-4, người nhà yêu cầu chuyển viện. Tuy nhiên bác sĩ cho rằng tình trạng của bệnh nhi đã ổn định, không còn đi ngoài nên không cần thiết phải chuyển tuyến và bệnh viện vẫn đủ khả năng kiểm soát. Trưởng kíp trực hôm đó là bác sĩ Lê Quang Dương, Phó khoa Hồi sức cấp cứu đã đến gặp người nhà bệnh nhi để giải thích không nên chuyển tuyến. Trong lúc bác sĩ đang xem hồ sơ bệnh án, cha bệnh nhi bất ngờ dùng chiếc ly đập thẳng vào đầu bác sĩ Dương bất tỉnh. Và ngay lập tức khiến bác sĩ Dương được cấp cứu tại chỗ, khâu 7 mũi trên đầu.
 


Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh - Ảnh: B.L

Báo Thanh Niên điện tử cho biết, khoảng 21 giờ 40 phút ngày 18-8-2017, Khoa Cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An tiếp nhận anh Nguyễn Văn Nam (26 tuổi) bị tai nạn giao thông trong tình trạng phù nề mặt. Khoảng 10 phút sau, khi bác sĩ Hoàng Thị Minh đang trực ở Khoa Cấp cứu thì có một nhóm người vào khoa, trong đó một người đàn ông yêu cầu bác sĩ Minh đưa bệnh nhân đi chụp phim. Mặc dù bác sĩ Minh giải thích bệnh nhân đã chỉ định chụp phim và khoa đang chuẩn bị đưa bệnh nhân đi chụp, nhưng người đàn ông này bất ngờ lớn tiếng chửi bới và tát liên tiếp vào mặt bác sĩ Minh.

Báo Tuổi Trẻ online cho biết, chiều 17-6-2017, bác sĩ P.Đ.V công tác tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam khi đến bệnh viện thì bị một số người hành hung tại khu vực cổng. Những người đàn ông này đã đấm, đá liên tục vào mặt, đầu và người bác sĩ V. Sự việc diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau đó, 2 người đàn ông còn kéo bác sĩ vào phòng khám tiếp tục hành hung và bắt bác sĩ phải quỳ xuống xin lỗi. Một trong 2 người đàn ông có hành vi hành hung bác sĩ là người nhà một bệnh nhi (5 tuổi) đã đến khám bệnh tại bệnh viện từ ngày 30-5.

Báo Người Đưa tin cho biết, vào ngày 12-7-2017, bác sĩ L Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được chỉ đạo khâu vết thương cho bệnh nhân. Ngay lúc đó, bất ngờ bác sĩ L bị một nhóm người cùng đi với bệnh nhân tấn công bằng máy đo huyết áp dẫn đến bị thương ở đầu và phải khâu 5 mũi...

Còn rất nhiều trường hợp tương tự như đã nêu xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BYT về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ động phối hợp với công an xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành y tế và công an về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế phù hợp tình hình tại địa phương; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện và các cơ sở y tế.

Như vậy, bất kỳ một người nào có hành vi gây rối tại bệnh viện, nơi cán bộ y tế tập trung sức lực, thời gian và trí tuệ để cứu người thì đều vi phạm pháp luật bất kể xuất phát từ động cơ đúng hay sai. Vì việc tác nghiệp của bác sĩ đúng hay sai và có dẫn đến hậu quả như thế nào là do cơ quan có thẩm quyền xem xét. Song, hành vi hành hung bác sĩ trong giờ hay ngoài giờ làm việc đều vi phạm pháp luật. Mà theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì mức phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác.

Ngoài ra, tùy mức độ mà người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 2009 về gây rối trật tự công cộng có quy định như sau: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; Có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Dù là bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng khi thời gian qua đi thì sự việc cũng sẽ nhanh chóng được dư luận cho vào quên lãng. Song, với những lời bình luận, chia sẻ trên các trang facebook thì sẽ mãi là vết thương khó lành đối với những người vi phạm. Đây là bản án còn nặng hơn nhiều so với mức phạt pháp luật dành cho những người có hành vi hành hung, phỉ báng, lăng mạ, làm nhục... thầy thuốc.

Nguồn: Bình Phước Online