Admin
Giải pháp nâng cao hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”, giai đoạn 2018-2020
Lượt xem: 594
Ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” giai đoạn 2010 - 2015 đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ngày 11/5/2018, Công an tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 76 để triển khai thực hiện Đề án trên. Theo đó các phòng nghiệp vụ và Công an huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.


Tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên phường Tân Bình, Tp Đồng Xoài 

Trong 03 năm qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường tổ chức thực hiện Đề án bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, đặc biệt gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với các hoạt động thiện nguyện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật về an ninh trật tự của thanh, thiếu niên trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Đề án cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như sau:

- Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm do lứa tuổi thanh, thiếu niên thực hiện và công tác tuyên truyền pháp luật chưa được thường xuyên, liên tục, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, đặc biệt là việc vận dụng tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ thông tin mới còn hạn chế. Do đó, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức của người dân về phòng, chống tội phạm do lứa tuổi thanh, thiếu niên thực hiện chưa cao. 

- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên và coi đây là công tác của ngành Công an nên chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. 
- Chưa có giải pháp hiệu quả trong việc tập hợp đối với số thanh, thiếu niên sau lứa tuổi học sinh để thực hiện công tác tuyên truyền, do các em làm nhiều công việc, tại các địa bàn khác nhau. 

- Kinh phí thực hiện cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, không có nhiều kinh phí phục vụ đầu tư đổi mới hình thức, phương thức tuyên tuyền, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa được nâng cao.

- Việc khó tập trung thanh, thiếu niên tại một số địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực trình độ dân trí thấp, điều kiện về đời sống, kinh tế còn khó khăn nên hoạt động PBGDPL cho các thanh, thiếu niên ở những khu vực, địa bàn này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Nguyên nhân của hạn chế 

- Nguyên nhân khách quan: 

 Do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân, đối tượng đặc thù còn thấp, giao thông đi lại khó khăn, công tác mời dự nghe tuyên truyền phần lớn đối tượng cần tuyên truyền không đến... ít nhiều tác động ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, PBGDPL.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên của cán bộ ở một số ban, ngành, đoàn thể còn yếu; một số đơn vị chưa hình dung được chức năng, nhiệm vụ của mình đối với công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên.

+ Do đặc thù tại các ban, ngành, đoàn thể khi vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên… để thực hiện công tác tuyên truyền phải có kinh phí đi lại, kinh phí bồi dưỡng để cấp phát cho các đối tượng được tuyên truyền. Tuy nhiên, do kinh phí thực hiện còn hạn hẹp nên chưa thực hiện được, do đó hiệu quả trong công tác phối hợp tập hợp tuyên tuyền chưa cao. 

+ Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù chưa có sự đồng đều về khả năng vận động, tuyên truyền, để PBGDPL, còn nhiều hạn chế về kỹ năng để phổ biến giáo dục pháp luật, ngoại trừ cán bộ Công an thì nhiều cán bộ thuộc ban, ngành khác còn ngại tiếp xúc với các đối tượng đặc thù (nhóm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương, nhóm đối tượng vừa ra tù tái hòa nhập cộng đồng...).



Tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh trường THCS Tiến Hưng, tp Đồng Xoài 

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.

- Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các Kế hoạch của Bộ Công an và UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án, trong đó tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 76, ngày 11/5/2018 của Công an tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của thanh, thiếu niên, làm giảm phát sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đóng góp vào công tác PBGDPL chung của toàn tỉnh.

- Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời kết hợp việc thực hiện Đề án với các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật khác đang triển khai nhằm thực hiện công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp, phương pháp tuyên truyền đã đạt hiệu quả cao trong thời gian qua, như lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong sinh hoạt các mô hình, câu lạc bộ về phòng chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các xã, phường, thị trấn; chú trọng tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác để phát huy tối đa hiệu quả công tác PBGDPL. 

- Thứ ba, đối với Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù do lực lượng Công an chủ trì quản lý (trọng tâm là các đối tượng: thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng;…) bằng các biện pháp thích hợp như thường xuyên mời, gọi lên trụ sở để phổ biến pháp luật trực tiếp, tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại nơi cư trú của các đối tượng, thông qua các quần chúng “tốt” kèm cặp, giúp đỡ,… qua đó từng bước giáo dục, chuyển hóa các đối tượng, hạn chế tối đa tình trạng phạm tội và tái phạm tội ngay tại địa bàn cơ sở, phục vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thứ tư, củng cố và nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, báo cáo viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho thanh, thiếu niên nhằm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao nhất.

- Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, chú trọng việc PBGDPL gắn liền với áp dụng khoa học công nghệ (qua mạng xã hội Zalo, Facebook…). Trang bị những công cụ, phương tiện phục vụ tuyên truyền pháp luật đáp ứng với sự phát triển của công nghệ hiện đại. Hỗ trợ thêm nhiều kinh phí để thực hiện công tác PBGDPL.

Đức Hiếu