Giới thiệu Luật bẩu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được QH khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015 - Luật số 85/2015/QH13.
Sự cần thiết ban hành Luật
Hiến pháp năm 2013 đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định (Điều 117); do đó, cần thiết phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Luật.
Một số vấn đề mới liên quan đến công tác bầu cử quy định trong các đạo luật đã được Quốc hội thông qua như Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các luật về bầu cử hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quy định của Luật bầu cử hiện hành trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng đại biểu chuyên trách, số dư trong từng đơn vị bầu cử, hồ sơ của người ứng cử, quy trình hiệp thương, việc vận động bầu cử…
Nhiều nội dung, trình tự, thủ tục quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành có nhiều điểm tương tự nhau, cần thiết phải hợp nhất hai luật này để ban hành một văn bản Luật điều chỉnh chung.
Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Luật là cần thiết, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử được thuận tiện, đồng bộ và khoa học hơn; góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.
Các quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử.
Đánh giá, tổng kết thực tiễn qua các cuộc bầu cử và việc thi hành các văn bản pháp luật về bầu cử; sửa đổi, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập.
Bảo đảm tính kế thừa, trên cơ sở hợp nhất hai văn bản luật hiện hành về bầu cử, luật hoá một số quy định của các văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động bầu cử đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
Bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn về kinh tế - xã hội của đất nước, có tham khảo chọn lọc kinh nghiệm về bầu cử của một số nước.
Bố cục và nội dung cơ bản của Luật
Luật gồm 10 chương với 98 điều, được xây dựng trên cơ sở cơ cấu, bố cục lại các quy định trong hai luật về bầu cử hiện hành, cụ thể như sau:
Chương I: Những quy định chung: Chương này gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về các nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử.
Chương II: Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu: Chương này gồm 5 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.
Chương III: Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương: Chương này gồm 17 điều chia làm 2 mục:
Mục 1: Hội đồng bầu cử quốc gia (từ Điều 12 đến Điều 20) quy định về cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; mối quan hệ công tác của Hội đồng bầu cử quốc gia; bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia; thời điểm kết thúc nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Mục 2: Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (từ Điều 21 đến Điều 28) quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương như Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử); Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở đơn vị bầu cử tương ứng.
Chương IV: Danh sách cử tri: Chương này gồm 6 điều (từ Điều 29 đến Điều 34) quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác.
Chương V: Ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân: Chương này gồm 27 điều (từ Điều 35 đến Điều 61) chia làm 4 mục:
Mục 1 về ứng cử quy định về hồ sơ, thời gian và quy trình nộp hồ sơ ứng cử; Quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).
Mục 2 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng giới thiệu người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, ở địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội; hội nghị cử tri; xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Mục 3 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; về danh sách những người ứng cử quy định Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba; Thường trực Hội đồng nhân dân điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; hội nghị cử tri; xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Mục 4 về danh sách những người ứng cử quy định về danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội; danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; việc niêm yết danh sách người ứng cử; việc xóa tên người ứng cử; việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử.
Chương VI: Tuyên truyền, vận động bầu cử: Chương này gồm 7 điều (từ Điều 62 đến Điều 68) quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; nguyên tắc vận động bầu cử; thời gian tiến hành vận động bầu cử; những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử; các hình thức vận động bầu cử; về các hội nghị tiếp xúc cử tri; về việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Chương VII: Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu: Chương này gồm 4 Điều (từ Điều 69 đến Điều 72) quy định về nguyên tắc bỏ phiếu; thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu; thời gian bỏ phiếu; bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu.
Chương VIII: Kết quả bầu cử: Chương này gồm 16 điều (từ Điều 73 đến Điều 88) chia thành 4 mục:
Mục 1 về việc kiểm phiếu quy định rõ về trình tự, thành phần tham dự, việc chứng kiến mở hòm phiếu trước khi kiểm phiếu, biên bản kiểm phiếu, cách xác định phiếu bầu không hợp lệ, khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu.
Mục 2 về kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử quy định về biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị, thời hạn phải gửi đến các cơ quan phụ trách bầu cử, nguyên tắc xác định người trúng cử.
Mục 3 về việc bầu cử thêm, bầu cử lại quy định việc bầu cử thêm, bầu cử lại; Hủy kết quả bầu cử và quyết định bầu cử lại.
Mục 4 về việc tổng kết cuộc bầu cử quy định về biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội; Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử; Giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử; Xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chương IX: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân: Chương này gồm 6 điều (từ Điều 89 đến Điều 94) quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung; trình tự bầu cử và xác định kết quả trong bầu cử bổ sung và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung.
Chương X: Xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử và điều khoản thi hành: Chương này gồm 4 điều (từ Điều 95 đến Điều 98) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử; về quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý
So với luật hiện hành, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 có những điểm mới đáng lưu ý như sau:
Điểm mới thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ và quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, luật mới đã quy định quyền này thuộc về Quốc hội. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 của luật này có quy định như sau: Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Và luật cũng quy định rõ: Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử.
Điểm mới thứ hai, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ. Cụ thể, tại Khoản 2 và 3, Điều 8 quy định rõ: Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, tại Khoản 2, Điều 9 nêu rõ: Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Điểm mới thứ ba, điểm khác biệt hoàn toàn với luật hiện hành. Đó là những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Về vấn đề này, tại Khoản 5, Điều 29 có quy định như sau: Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
PHÁP CHẾ - PV11