Admin
Những vật dụng trong gia đình tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao mà người dân cần biết
Lượt xem: 766
Trong thời gian gần đây, các vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình có xu hướng ngày càng gia tăng về cả số lượng và thiệt hại gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người. Điển hình như 02 vụ cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh làm chết 09 người vừa qua đã làm xôn xao dư luận, đó là: Rạng sáng ngày 30/3/2021, nhà dân tại địa chỉ 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức cháy làm 6 người chết. Hỏa hoạn làm cháy hoàn toàn căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 60m2, trong nhà có 5 xe gắn máy và một số vật dụng sinh hoạt. Trước đó, khoảng 3h sáng 25/3/2021, căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 Cao Lỗ (phường 4, quận 8) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Vụ cháy làm 3 người trong gia đình tử vong.



Căn nhà bị cháy trong vụ xảy ra ngày 30/3 ở TP Thủ Đức (nguồn: vietnamnet)

Thực tế, tại mỗi hộ gia đình sinh sống luôn tiềm ẩn những vật dụng có nguy cơ cháy, nổ cao mà mọi người chúng ta thường có tâm lý chủ quan hoặc không chú ý, như là:

1. Bình ga và bếp ga

Đây là hai vật dụng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra hỏa hoạn tại nhà ở hay các chung cư cao tầng. Các vụ nổ bình ga chủ yếu là do khí ga bị rò rỉ, quên tắt bếp ga hoặc trong quá trình đun nấu thức ăn nhưng lại không trông coi. Nhất là vào mùa nắng nóng thì cháy nổ lại càng dễ xảy ra hơn nữa, gây hậu quả khó lường.

Vì vậy, chúng ta phải tuyệt đối nhớ khóa kỹ bình ga lại ngay sau khi sử dụng xong. Không để trẻ em đến gần bếp ga, tránh việc các bé bật bếp không đúng quy tắc. Những thợ lắp bình ga thường khuyên người dân nên dùng van đóng, mở bình ga tự động để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

2. Tủ lạnh

Tủ lạnh cũng là một vật dụng có thể gây hỏa hoạn bất ngờ mà nhiều người không thể lường trước được. Cấu tạo của một chiếc tủ lạnh gồm rất nhiều bộ phận có thể gây lửa khi bị tác động mạnh, trực tiếp, gián tiếp hoặc dãn nở bất thường: dàn lạnh, dàn nóng, bình ga, máy nén, các ống dẫn,…

Thông thường với những chiếc tủ lạnh quá cũ hoặc qua sửa chữa hàn xì, thay ga nhiều lần,… sẽ có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ dàn ngưng đến dàn bay hơi. Cũng từ đó mà làm giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá gây nóng máy thêm vào đó là thời tiết nắng nóng như những năm gần đây thì nguy cơ cháy nổ rất cao.

Vì thế, không nên sử dụng tủ lạnh đã quá cũ hay từng sữa chữa nhiều lần. Còn nếu đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp ga mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám.

3. Bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh sử dụng điện có cấu tạo giống chiếc ấm đun nước bằng điện, gồm thanh đun, rơ le, bình chứa nước. Khi mới sử dụng, bình hiếm khi xảy ra sự cố bởi các thiết bị còn mới và đầy đủ các hệ thống an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt và sử dụng, bình nóng lạnh đều đứng trước nguy cơ rò rỉ điện, chập cháy nổ.

4. Điều hòa

Điều hòa cũng giống như bóng đèn, quạt, nồi cơm điện… đều có tuổi thọ nhất định. Nếu dùng quá tải, tuổi thọ của chúng càng ngắn, thậm chí có thể xảy ra sự cố khi đang sử dụng. Dù được sản xuất với quy trình hiện đại, bảo đảm chất lượng đến đâu nhưng sức chịu đựng của máy cũng có hạn. Lâu ngày, các bộ phận nóng lên và suy giảm chất lượng, hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó, vào mùa hè, đường dây điện dẫn vào máy thường xuyên trong tình trạng quá tải, gây nên hiện tượng chập cháy.

Một nguyên nhân khác thường dẫn đến cháy nổ là cục nóng điều hòa. Chắc hẳn nếu ai từng một lần đi qua cục nóng của máy khi đang hoạt động đều có cảm giác không khác gì ngồi cạnh bếp lò. Thực tế hiện nay, đa phần tại các chung cư, nhà riêng, cơ quan, cục nóng thường được treo lơ lửng bên ngoài. Do ngại leo trèo, khi bảo dưỡng, thợ chủ yếu chỉ vệ sinh cục lạnh.

5. Các loại bình xịt nén khí

Bình cứu hoả cũng là vật dụng gây lửa tiềm ẩn trong nhà mà nhiều người không ngờ tới. Loại bình này bên trong có chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy và cần được bảo quản ở nhiệt độ mát mẻ từ -10 độ C đến -55 độ C. Nếu bình cứu hoả mini gặp nhiệt độ quá nóng hoặc bị ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp, gặp áp suất đủ lớn sẽ phát nổ vô cùng nguy hiểm. Không riêng bình cứu hỏa, các loại bình xịt nén khí như bình xịt muỗi, nước hoa… đều chứa hỗn hợp dễ bay hơi và dễ cháy. Do đó, chúng ta không nên sử dụng các bình xịt gần bếp hoặc nơi có chập cháy vì chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến nó bắt lửa, gây cháy nổ.

6. Bật lửa

Chúng ta thường chủ quan vứt bật lửa lung tung trong nhà mà không lường trước được nguy hiểm của nó. Trong bật lửa luôn chứa một lượng gas nhất định, khi bị rò rỉ và gặp môi trường có nhiệt độ đủ cao hay tia lửa điện có thể phát nổ.

Hầu như gia đình nào cũng có một cái bật lửa dùng để châm thuốc lá, châm hương… nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng khá phổ biến. Nhưng nhiều người lại chủ quan vứt bỏ lung tung khi đã hết gas nhưng chính đó lại gây ra những nguy hiểm không ngờ tới được. Vì khi lượng gas ấy bị rò rỉ ra ngoài, thêm vào đó là nhiệt độ cao như mùa khô hanh này thì sẽ tạo ra tia lửa điện có thể làm phát nổ bất kỳ lúc nào.



Ảnh: Vụ cháy nổ do cục sạc dự phòng gây ra (nguồn: internet)

7. Cục sạc dự phòng, pin điện thoại, laptop

Một trong những vật dụng dễ cháy nổ bậc nhất trong gia đình đó là pin sạc dự phòng. Bởi lẽ, sau một thời gian sử dụng thì sạc sẽ bị phồng, nóng lên và gây cháy nổ. Bởi do chất lithium trong pin tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy. Đó cũng là lý do tại sao sạc dự phòng không được cho phép mang theo hành lý xách tay lên máy bay.

Chúng ta nên lưu ý rằng, khi mua pin sạc dự phòng thì các chị cần lựa chọn sản phẩm của những thương hiệu có uy tín, có dán tem bảo hành, ghi rõ nguồn gốc và xuất xứ. Tuyệt đối không vừa sạc vừa dùng điện thoại đế tránh nguy cơ pin nóng, gây cháy nổ. Đồng thời, trong quá trình sạc cũng không nên để sạc lên những vật dụng dễ cháy như nệm hay khăn lông,… Trước khi sạc cần lau chùi khô ráo tay và thiết bị, đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như đúng loại đầu cắm sạc thì mới đảm an toàn. Ngoài ra, không nên cắm sạc quá lâu như để qua đêm vì khi đó chúng ta không thể kiểm soát được và nếu lỡ xảy ra trường hợp nguồn điện không ổn định hoặc sạc quá lâu làm quá tải sẽ dễ dàng dẫn đến cháy nổ.

8. Bóng đèn dây tóc

Bóng đèn dây tóc khi được đốt cháy giống như ống chân không và sẽ nổ tung khi bị quá tải. Ngoài chập điện, quá tải, khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước rơi vào mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn vỡ tung. Sức nổ không lớn song mảnh thủy tinh văng xa và mạnh có thể gây tổn thương cho người đứng gần đó. Đối với những bóng đèn không đạt chuẩn, với việc bật, tắt liên tục bóng đèn cũng khiến bóng cháy nổ.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người dân cần đảm bảo tốt các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình theo đúng quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, cụ thể:  

- Phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư

+ Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

+ Đối với các thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

- Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Điều kiện theo quy định về phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư nêu trên;

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Khi phát hiện xảy ra sự cố cháy, nổ tại gia đình phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra; phải thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh theo số 114, đồng thời sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.

Đức Hiếu