Admin
Thẩm quyền xử phạt hành chính của lực lượng Công an nhân dân quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
Lượt xem: 582
Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, gồm 05 chương 74 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021, trong đó quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân, cụ thể:

Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Về đối tượng áp dụng, Nghị định này áp dụng đối với:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo ở Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam (cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện), doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức khác có hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).

 - Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Theo đó, tại Điều 66 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân, như sau:

- Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng;

- Trạm trưởng, đội trưởng có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.500.000 đồng;

- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2.500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng thuộc Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng phòng, Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng An ninh kinh tế; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 20.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, d và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 100.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Lưu ý: Thẩm quyền xử phạt nêu trên là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân (quy định tại khoản 4, Điều 5 của Nghị định)



Từ 01/6/2021, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan,
trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị xử phạt hành chính

Về các hành vi vi phạm lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt được quy định tại khoản 2, Điều 71 của Nghị định, gồm:

- Lĩnh vực văn hóa: Các hành vi vi phạm về, điện ảnh; hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tổ chức lễ hội; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; hành vi vi phạm về di sản,... cũng như các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực văn hóa được quy định tại Chương II Nghị định này. Đáng chú ý, Nghị định đã quy định lực lượng Công an nhân dân được phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi (điểm a, khoản 5, Điều 15); kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày (điểm a, khoản 5, Điều 15).

- Về lĩnh vực quảng cáo: Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định rõ tại Chương III Nghị định này. Đáng chú ý, Nghị định đã quy định lực lượng Công an nhân dân được phạt tiền tại Điều 43 của Nghị định đối với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông, trong đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội,...



Các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên trên báo điện tử và trang thông tin điện tử
sẽ bị xử phạt hành chính nếu bị cơ quan chức năng phát hiện

+ Ngoài ra, lực lượng Công an nhân dân cũng được xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử; vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, trên sản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử cũng được quy định vụ thể tại Điều 38 đến Điều 41,…

Trên đây thẩm quyền xử phạt hành chính của lực lượng Công an nhân tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hy vọng rằng qua bài viết sẽ giúp quý bạn đọc, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân nắm rõ hơn quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực này.

Xuân Quynh