Admin
Một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
Lượt xem: 352
Ngày 16/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây viết tắt là Luật năm 2020), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

 

Ảnh: Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng,
chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (nguồn internet)

Sau khi Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây viết tắt là Luật năm 2006) được ban hành, qua 13 năm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật năm 2006 cần phải được khắc phục, như là:

Thứ nhất, quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập. 

Thứ hai, một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Thứ ba, giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật năm 2006 đang có sự mâu thuẫn về quy định người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS vẫn có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị cho người nghiện ma túy.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2006 là hết sức cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 01 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 

Dưới đây là một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS):

1. Bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV

- Nhằm bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, Luật năm 2020 sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 4 theo hướng quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho những đối tượng này. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. 

- Ngoài ra, nhằm bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, chi trả khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và triển khai công tác kiểm soát dịch HIV/AIDS được tốt hơn, Luật năm 2020 sửa đổi Điều 30 Luật năm 2006 theo hướng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. Đồng thời, quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để bảo đảm giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.

2. Mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

- Trước tình hình dịch HIV/AIDS thay đổi về địa bàn, nhóm đối tượng, Luật năm 2020 sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật năm 2006 theo hướng mở rộng các đối tượng được ưu tiên triển khai tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm cung cấp sớm các kiến thức về HIV/AIDS, lợi ích, kỹ năng, phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cụ thể,  Luật năm 2020 quy định ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây: người nhiễm HIV; người sử dụng ma túy; người bán dâm; người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 11 của Luật năm 2006; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; người di biến động; phụ nữ mang thai; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy; người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn; người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.

- Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 12 Luật năm 2006, theo đó điểm mới nổi bật là bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3, quy định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình”. Ngoài ra, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 7 theo hướng quy định truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên phương tiện thông tin đại chúng có thể thu phí trong trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ để bảo đảm cơ chế tự chủ của các cơ quan truyền thông hiện nay.

3 Bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật năm 2006 theo hướng bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm bảo đảm người nhiễm HIV được xét nghiệm sớm, chăm sóc và điều trị liên tục trong các cơ sở giam giữ và phòng chống lây nhiễm HIV trong các cơ sở này. Ngoài ra, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 45 Luật năm 2006 quy định về chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV cho phù hợp.

4. Huy động người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS

 Nhằm phát huy vai trò của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật năm 2006 theo hướng bổ sung người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, kế hoạch và cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; ngoài ra, Luật điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ; tư vấn và hỗ trợ cho người có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. 

5. Luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV

Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ với chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, Luật năm 2020 đã sửa đổi Điều 21 Luật năm 2006 theo hướng luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác. Ngoài ra, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật năm 2006, theo đó bổ sung biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV, đây là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả cho người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho các đối tượng này. 

6. Đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV nhằm bảo đảm triển khai xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV 

- Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Luật năm 2006 theo hướng giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các bất cập hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ.

- Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 29 Luật năm 2006 theo hướng đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV nhằm bảo đảm triển khai xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV để phù hợp với sự tiến bộ của khoa học về kỹ thuật xét nghiệm và triển khai xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV/AIDS. Theo đó, Luật năm 2020 đã quy định việc triển khai xét nghiệm tại cộng đồng gồm xét nghiệm không chuyên, tự xét nghiệm, đơn giản các thủ tục hành chính trong việc cấp phép phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính.

7. Quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai

Nhằm khắc phục khó khăn do nguồn lực cho triển khai quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung các khoản 1, khoản 3, khoản 5 Điều 35 của Luật năm 2006 theo hướng quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai, cụ thể nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả chi phí các xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn.

8. Bổ sung các đối tượng được Nhà nước bảo đảm cấp thuốc điều trị HIV/AIDS miễn phí

Luật năm 2020 đã bổ sung các đối tượng được Nhà nước bảo đảm cấp thuốc điều trị HIV miễn phí vào khoản 2 Điều 39 Luật năm 2006, theo đó trước tình hình nguồn lực quốc tế cắt giảm, chính sách hỗ trợ điều trị HIV/AIDS được chuyển giao từ nhà tài trợ, sang sử dụng nguồn lực trong nước và từ Quỹ bảo hiểm y tế. Một số đối tượng trong cơ sở giam giữ không tham gia bảo hiểm y tế hoặc dịch vụ khám điều trị khó triển khai dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo quy định của Bảo hiểm y tế sẽ được Nhà nước bảo đảm. Bên cạnh đó, việc điều trị dự phòng lây truyền HIV cần phải có thuốc điều trị ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, do đó ngân sách nhà nước cũng bảo đảm thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để triển khai điều trị dự phòng sớm cho mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

9. Về nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS

Luật năm 2020 sửa đổi Điều 43 Luật năm 2006 theo hướng quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế. Theo đó, Luật quy định nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS gồm: ngân sách nhà nước; quỹ bảo hiểm y tế; chi trả của người sử dụng dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

10. Bãi bỏ Điều 42 Luật năm 2006 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối

 Luật năm 2020 bãi bỏ Điều 42 Luật năm 2006 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm bảo đảm quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi pháp luật về thi hành án hình sự.

Đức Hiếu