Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng
Công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng là một công tác rất phức tạp, khó khăn, có phạm vi rộng. Đồng thời giữ vai trò rất quan trọng trong bảo đảm thi hành nghiêm minh bản án, quyết định của Toà án, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, thời gian qua, bằng nhiều mô hình và giải pháp, công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để hỗ trợ, giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Xác định công tác quản lý các đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng là việc khó, cần sự vào cuộc phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở nên ngay sau khi tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự các huyện, thị xã, thành phố đã triệu tập bị án để ấn định thời gian phải có mặt tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người chấp hành án cư trú. Đồng thời tổ chức cho bị án viết cam kết chấp hành án, thiết lập hồ sơ và bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn để theo dõi, giám sát, giáo dục theo quy định.
Không chỉ vậy, lực lượng Công an còn tạo ra kênh kết nối giữa lực lượng chức năng với gia đình để quản lý, giúp đỡ và cộng đồng trách nhiệm. Mối liên kết này vừa tạo ra hiệu quả trong việc quản lý các đối tượng thi hành án tại cộng đồng vừa góp phần ngăn ngừa các đối tượng thanh thiếu niên trẻ manh nha các yếu tố phạm tội. “Sự bao che là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, phạm tội. Do đó, chúng tôi phải làm tốt công tác vận động để làm sao gia đình và lực lượng Công an là một kênh. Có nghĩa rằng khi thấy con em tiếp tục vi phạm hoặc có hành vi tái phạm thì gia đình ngay lập tức có biện pháp báo với chúng tôi để chúng tôi sớm răn đe, cảm hoá. Hoặc nếu trong trường hợp tiếp tục vi phạm thì chúng tôi phải xử lý theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng có thể dẫn đến hậu quả xấu hơn”, Đại uý Đậu Xuân Cửu, Trưởng Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản nhấn mạnh. Nhờ mối liên kết đó mà rất nhiều hành vi tái phạm đã được ngăn chặn kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đại uý Đậu Xuân Cửu, Trưởng Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản thường xuyên gọi hỏi, răn đe, cảm hoá các đối tượng thanh thiếu niên trên địa bàn
Bên cạnh công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng, công tác tái hoà nhập cộng đồng cũng được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình trợ giúp người tái hoà nhập cộng đồng được triển khai như câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”, mô hình “Ánh sáng hoàn lương”,… nhằm mục đích cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều nguồn vốn chính sách nhanh chóng giải ngân đã tạo nên trợ lực giúp người tái hoà nhập cộng đồng vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và làm lại cuộc đời. Đại uý Trần Minh Bá, Trưởng Công an phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long khẳng định, “nguồn vốn tái hoà nhập cộng đồng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho lực lượng Công an tại cơ sở trong việc quản lý, giúp đỡ các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng. Khi đối tượng về có nguồn vốn chính sách để giúp đỡ thì mình mới có sự định hướng cho các đối tượng này, tạo công ăn việc làm, giúp họ suy nghĩ khác đi và có kinh tế ổn định hơn”. Đại uý Trần Minh Bá cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, Công an phường Phú Thịnh cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho 4 trường hợp đối tượng tái hoà nhập cộng đồng được vay vốn với tổng nguồn vốn khoảng hơn 200 triệu đồng. Các đối tượng này hiện đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay, bước đầu ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, để triển khai thực hiện hiệu quả Luật thi hành án hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tái hoà nhập cộng đồng, lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ cho đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời tăng cường công tác quản lý giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người thi hành án tại cộng đồng và đối tượng tái hoà nhập cộng đồng
5 năm qua, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã giúp đỡ, giới thiệu việc làm cho hơn 4 ngàn đối tượng, đề nghị cho hơn 170 đối tượng tái hoà nhập cộng đồng được vay vốn làm ăn với số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Quá trình cải tạo, tái hoà nhập cộng đồng, họ đều chấp hành nghiêm sự quản lý, giáo dục, giám sát của chính quyền địa phương, cam kết không vi phạm pháp luật. Thượng tá Trịnh Quốc Doanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho biết, “Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đang tiếp tục đến những xã trọng điểm phức tạp để xây dựng các mô hình quản lý, giám sát đối với người chấp hành án tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình đối với người chấp hành xong án phạt tù để phần nào giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho họ khi mới tái hoà nhập cộng đồng”.
Sự chuyển biến trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng đến từ những thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách tiếp cận về công tác thi hành án. Những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua cũng sẽ là tiền đề để công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa Luật thi hành án hình sự thật sự đi vào cuộc sống đồng thời lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu công việc để không ai bị bỏ lại phía sau.