Admin
Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp (p2)
Lượt xem: 304
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

(Phần tiếp theo)

 - Về trưng cầu giám định tư pháp

 Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Điều 25 của Luật đã được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong đó đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trước khi ban hành Quyết định trưng cầu. Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về trưng cầu giám định trong trường hợp nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp; quy định cụ thể trách nhiệm, nguyên tắc phối hợp của tổ chức chủ trì, tham gia triẻn khai nhiệm vụ giám định, giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình trưng cầu, phối hợp triển khai thực hiện giám định. Quy định này được pháp điển hóa trên cơ sở quy định có liên quan của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP của liên ngành Kiểm sát - Tòa án - Công an - Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế và có sự phát triển, hoàn thiện hơn. 


 
- Về thời hạn giám định

Thể chế hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về khắc phục tình trạng vô thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, quy định về thời hạn giám định đã được bổ sung vào trong Luật. Theo đó, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì thời gian bổ sung hồ sơ, tài liệu không được tính vào thời hạn giám định. Thời hạn giám định theo quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với trường hợp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và có thời hạn tối là 03 tháng, nếu có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Căn cứ vào thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên và tính chất chuyên môn đặc thù của lĩnh vực giám định, tới đây, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể (đến nay, lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã được Bộ Y tế và Bộ Công an ban hành quy trình giám định, trong đó đã các định rõ từng bước thực hiện giám định và thời hạn giám định cụ thể).

Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.

Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

- Về kết luận giám định tư pháp

Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, quy định về kết luận giám định đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu và nguyên tắc mang tính đặc thù của văn bản kết luận giám định như kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định; đồng thời, phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của người giám định, tổ chức cử người làm giám định trong việc ký, xác nhận chữ ký đối với người giám định trong bản kết luận giám định.

- Về hồ sơ giám định tư pháp

 Để khắc phục một số vướng mắc, khó khăn về hồ sơ giám định, lưu trữ, bảo quản hồ sơ giám định, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ gián định, trong đó quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình. Người thực hiện giám định có trách nhiệm bàn giao hồ sơ giám định cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đã được bổ sung như: ban hành quy trình giám định (trong đó căn cứ yêu cầu và tính chất đặc thù của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý quy định cụ thể về thời hạn đối với từng loại việc giám định); phân công đơn vị làm đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp bộ, cơ quan ngang bộ trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp; cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo thẩm quyền, đăng tải, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin của bộ, ngành mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp ở bộ, ngành mình… 

Ngoài vai trò là cơ quan quản lý giám định tư pháp, Bộ Công an còn có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp và đã được bổ sung như sau: ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý; hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi bộ, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo Công an cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định, nhu cầu giám định ở địa phương; lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tương tự như vậy, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Quốc phòng với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng cũng được sửa đổi, bổ sung tương tự như Bộ Công an.

Với tính chất đặc thù của mình, cơ quan thuộc Chính phủ đã được bổ sung quy định về có nhiệm vụ, quyền hạn của mình như sau: xây dựng quy trình giám định đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp ban hành theo thẩm quyền; công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; bảo đảm nhân lực, kinh phí, điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám định ở cơ quan mình; đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho đội ngũ người giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; hằng năm, tổng kết, gửi Bộ Tư pháp báo cáo về hoạt động giám định tư pháp của cơ quan mình.

Với tính chất là cơ quan quản lý công tác giám định tư pháp ở địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được bổ sung, sửa đổi ở một số nội dung như sau: cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo thẩm quyền; đăng tải, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ người giám định tư pháp ở địa phương; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp ở địa phương và báo cáo kết quả cho Bộ Tư pháp.

- Về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp

Để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp cũng như góp phần khắc khục những khó khăn, vướng mắc có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được bổ sung, sửa đổi một số trách nhiệm như: 

+ Ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan; chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định, nhu cầu giám định ở địa phương; 

+ Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân để chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp và chi phí tham dự phiên tòa của người giám định.

Để bảo đảm thực thi trên thực tế “quyền có vị trí phù hợp tại phiên tòa” của người giám định tư pháp, nhất là trong bối cảnh công tác giám định tư pháp còn chưa được quan tâm đúng mức, Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn về bố trí vị trí phù hợp của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa. Quy định này cũng nhằm bảo đảm điều kiện về chỗ ngồi (tương tự như người bào chữa, người bảo vệ, quyền lợi cho đương sự, người phiên dịch) cho người giám định để thực hiện tốt nghĩa vụ tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng chuyên môn trong hoạt động tố tụng, khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay về vấn đề này.

Riêng đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn có trách nhiệm của cơ quan có tổ chức, người giám định tư pháp (Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao) nên cơ quan này còn có thêm các trách nhiệm như sau: chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đăng tải và cập nhật danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý; hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động giám định thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng giám định viên tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp; trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Đức Hiếu