Công an tỉnh Bình Phước
Phòng ngừa tội phạm từ khía cạnh trách nhiệm của nạn nhân
Lượt xem: 1872
Trong thời gian ngắn, trên cả nước liên tiếp xảy ra ba vụ án xâm phạm tính mạng đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận xã hội. Qua theo dõi và phân tích nguyên nhân các vụ án này, nhận thấy các nạn nhân đã có những hành vi lệch chuẩn góp phần thúc đẩy tội phạm xảy ra.

Vậy để phòng ngừa những sự việc đáng tiếc chúng ta cùng tìm hiểu và phân tích trên khía cạnh trách nhiệm của nạn nhân trong những vụ án trên. Vụ án giết người thứ nhất mà chúng tôi đề cập, xảy ra vào trưa ngày 17-10-2023 tại cửa hàng quần áo trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh khiến nạn nhân N.T.P sinh năm 1996 tử vong với 8 nhát dao chí mạng. Vụ án thứ 2 là vụ giết người phân xác xảy ra tại xã Đạ Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày 10-10-2023, nạn nhân H.Y.N sinh năm 2006. Và trước đó không lâu, vụ cô gái H.T.T.T bị sát hại ở chợ đầu mối Thủ Đức ngày 30-9-2023 với hàng chục nhát dao. Hiện nay, ngoài một đối tượng đã tự tử, các đối tượng còn lại đã bị bắt giữ và chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên dư luận đang lo lắng và bất an cho rằng tội phạm giết người ngày càng diễn ra một cách dễ dàng, hành vi ngày càng tàn ác... liệu có do một kẽ hở pháp luật hoặc do xu hướng tội phạm mới nào đó hay không ?

Tuy nhiên xem xét kỹ diễn biến các vụ án trên thì có thể thấy nó hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc chí ít không xảy ra dưới góc độ và khả năng của người bị hại. Khái quát chung lại trong các vụ án trên đa phần đều bộc phát do mối quan hệ tương tác giữa nạn nhân và đối tượng. Trong đó nguyên nhân cơ bản là mâu thuẫn cá nhân, đồng thời người bị hại có một phần lỗi hoặc có cư xử đáng tiếc dẫn đến bùng phát thành hành vi phạm tội. 

anh tin bai

Nghiên cứu về tâm lý học tội phạm rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm 

Dưới góc độ tội phạm học, việc bị hại có ứng xử, hành vi lệch chuẩn đối với đối tượng cũng là điều kiện, là một trong các yếu tố thúc đẩy tội phạm xảy ra. Trong trường hợp này thường bị hại đã phạm sai lầm là khiêu khích, thách đố, xúc phạm hoặc thực hiện hành vi có lỗi đối với đối tượng. Ví dụ như trong vụ án ở thành phố Bắc Giang bị hại nói kiểu thách đố “Anh có giết em thì cũng không thoát được đâu”, trong vụ án chợ đầu mối Thủ Đức đối tượng Dung khai là bạn hàng quen thuộc trong mua bán rau củ với gia đình chị T. Tuy nhiên trong quá trình mua bán, cả hai xảy ra mâu thuẫn. Và mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt nên Dung lên kế hoạch sát hại chị T. Những hành vi nêu trên của các bị hại đã vô tình tạo tâm lý tiêu cực, kích thích tức thời làm bùng nổ tâm lý dẫn đến đối tượng gần như mất hết lý trí, không kiểm soát được hành vi nên khi gây án thường rất nghiêm trọng, tàn ác.

Như vậy, ngoài phần lỗi trực tiếp do hung thủ gây ra, có thể thấy một phần nguyên nhân tội phạm xuất phát từ phía nạn nhân. Nạn nhân trong những vụ án trên rất đáng thương nhưng cũng vừa đáng trách. Đáng trách vì họ hoàn toàn có thể tránh được. Khoa học pháp lý hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu sâu về nạn nhân học để cung cấp cơ sở lý luận cho công tác phòng ngừa tội phạm từ góc độ nạn nhân. 

Để phòng ngừa, mọi người không nên ứng xử “tiêu cực” để rồi tự mình có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm. Đồng thời, trong xử lý các tình huống, nhất là các va chạm, mâu thuẫn trong cuộc sống phải tránh thái độ “ăn thua đủ” với nhau. Từ xưa ông cha ta cũng có câu “một điều nhịn chín điều lành”, "tránh voi không xấu mặt nào"..., người bị hại cần có ứng xử phù hợp, bình tĩnh, giảm căng thẳng để tránh kích thích tâm lý của đối tượng. Đồng thời không tự ý “làm người phán xử” các mâu thuẫn, tranh chấp mà cần các cơ quan nhà nước giải quyết. 

Trong các mối quan hệ xã hội, mỗi người dân cần tôn trọng nhau, bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn để tránh đẩy sự việc đi quá xa, vượt giới hạn. Khi mỗi người không tự biến mình trở thành nạn nhân của tội phạm thì cũng chính là đang góp phần làm giảm tội phạm cho xã hội và khi đó cuộc sống sẽ yên bình, an toàn hơn.

Trung Sinh - Mạnh Tuấn