Admin
Nhận thức, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng
Lượt xem: 366
Bước vào thế kỷ 21, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), các thế lực thù địch lợi dụng khoa học kỹ thuật để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta về mọi mặt, phương thức hoạt động chủ yếu trên không gian mạng. Quan điểm thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta tập trung vào những quan điểm trái ngược với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, đối lập với nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cốt lõi là chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với chính sách, pháp luật của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tất cả những quan điểm thù địch này được phát tán qua các loại hình dịch vụ trên mạng, chúng tạo lập các tài khoản mạng xã hội, các website, blog,… sau đó trực tiếp viết bài hoặc sao chép các tài liệu chống Đảng, Nhà nước rồi phát tán trên các tài khoản mạng xã hội đó. Nội dung chủ yếu xoay đi, xoay lại vẫn là những nội dung cũ rích từ trước đến nay chúng đã làm. “Đến hẹn lại lên”, gần đây chúng tập trung cho luận điệu xuyên tạc bầu cử Quốc hội Khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ (2021 - 2026), chúng cho rằng: Nhân dân Việt Nam mất đi quyền dân chủ, không được ứng cử, nhân sự đã được Đảng, Nhà nước ta sắp xếp, cơ cấu sẵn…

Trước tình hình trên cần nhận thức rằng truyền bá quan điểm thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng là phương thức tuyên truyền đặc biệt nguy hiểm. Bởi bên cạnh tính chất chung của hoạt động phá hoại tư tưởng, các đối tượng đưa thông tin một cách nhanh chóng, trong cùng một thời điểm, trên diện rộng, khối lượng lớn thông tin tới đông đảo người sử dụng mạng xã hội. Các thông tin, quan điểm thù địch được tán phát dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú nên rất khó kiểm chứng đâu thật, đâu giả đối với người tiếp cận thông tin, có khả năng tác động sâu sắc tới tư tưởng, hiệu ứng đám đông làm cho những thông tin xấu, độc đó lan truyền nhanh. Đặc biệt hơn các thông tin kích động, biểu tình, bạo loạn, đối tượng nhanh chóng lôi kéo, tập hợp lực lượng thông qua các diễn đàn, nhóm… tạo điều kiện để thực hiện các kịch bản của cái gọi là “cách mạng nhung”, “cách mạng sắc màu”, “cách mạng hoa nhài” như đã từng diễn ra ở các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của tuyên truyền, các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo để thống nhất định hướng đấu tranh như: Chị thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động  “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo về Tổ quốc trên không gian mạng… Gần đây là Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch và xác định lực lượng CAND chủ trì trong việc triển khai các giải pháp đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm lợi dụng dịch vụ viễn thông, internet để xâm phạm ANQG, TTATXH. Nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm thù địch trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CAND, trong đó lực lượng An ninh giữ vai trò nòng cốt.

Nhận định, trong thời gian tới, tình hình trong và ngoài nước sẽ có những diễn biến phức tạp, các đối tượng gia tăng hoạt động tuyên truyền các quan điểm thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Để làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn, cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 3-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 146-KH/ĐUCA ngày 09/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trên không gian mạng. Tăng cường tuyên truyền miệng tại các khu dân cư, lực lượng chức năng cần đầu tư viết các tin, bài phản bác chuyên sâu phù hợp với nhận thức của đối tượng tiếp cận thông tin. Phát huy vai trò của lực lượng an ninh mạng và kỹ thuật nghiệp vụ triển khai có hiệu quả các biện pháp cần thiết để đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội đưa các thông tin độc hại.

Hai là, tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh đối với các hoạt động đưa thông tin, hình ảnh trên không gian mạng, chú ý đến cung cấp dịch vụ trên internet, bảo vệ bí mật Nhà nước… không để các đối tượng tuyên truyền chống phá, đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ, xử lý theo pháp luật đối với các trang mạng, cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, các tổ chức, cá nhân có hành vi lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán những quan điểm sai trái, thông tin có tính chất kích động… gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội và tình hình ANTT.

Ba là, chú trọng đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm chức năng, nhiệm vụ này đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Tăng cường tập huấn về đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch trên không gian mạng cho CBCS. Trang bị kiến thức lý luận, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng lập các trang mạng, kỹ năng viết bài, bình luận… cho đội ngũ cán bộ trực tiếp đấu tranh ngăn chặn.

Bốn là, chú trọng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận về đấu tranh chống tuyên truyền, phá hoại tư tưởng trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng cuả Đảng và những vấn đề có liên quan. Tập trung làm rõ nhận thức về quan điểm thù địch, phương thức, thủ đoạn tuyên truyền của các loại đối tượng trên không gian mạng.

Nguyễn Văn Rại