Admin
Một số điểm mới của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đang được Bộ Công an lấy ý kiến toàn dân
Lượt xem: 358
Xuất phát từ yêu cầu tình hình thực tiễn, những bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 và đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, địa chỉ truy cập: http://bocongan.gov.vn để lấy ý kiến toàn dân từ 25/3/2021 đến 25/5/2021.

Ngày 23/12/2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh CSCĐ số 08/2013/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Pháp lệnh CSCĐ được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, lực lượng CSCĐ đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức,… được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSCĐ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao và kỷ luật công tác chặt chẽ; cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, doanh trại, điều kiện làm việc cho lực lượng CSCĐ đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an từng bước quan tâm đầu tư; hợp tác quốc tế về CSCĐ được mở rộng. 

Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CSCĐ mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới, như: Chủ trương của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đối với lực lượng CSCĐ; bảo đảm lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại; CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, do đó, cần thiết phải luật hóa các quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013; một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013,... có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho CSCĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; qua 07 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh CSCĐ đã  bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; trong thời gian tới, yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn cho CSCĐ thực thi nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. 

Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật CSCĐ là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của CSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.



(Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Bình Phước tham gia bảo vệ phiên toàn xét xử Nguyễn Hải Dương,
đối tượng gây ra vụ thảm sát 06 người tại huyện Chơn Thành, Bình Phước vào tháng 7/2015)

Ngày 25/3/2021, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ dự án Luật CSCĐ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng. Hồ sơ dự án Luật CSCĐ gồm có Dự thảo Tờ trình dự án Luật CSCĐ và Dự thảo Luật CSCĐ với 05 chương 30 điều, cụ thể:

- Chương I. Quy định chung: Quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng; nguyên tắc hoạt động; xây dựng CSCĐ và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ; hợp tác quốc tế của CSCĐ và các hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ: Quy định về nhiệm vụ; quyền hạn; cơ cấu và tổ chức của CSCĐ; nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; trách nhiệm của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị; điều động CSCĐ và phối hợp của CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

- Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSCĐ: Quy định về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm; trang bị; phù hiệu, giấy chứng nhận và trang phục của CSCĐ; ngày truyền thống; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào CSCĐ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ CSCĐ.

- Chương IV. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ: Quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ.

- Chương V. Điều khoản thi hành quy định về hiệu lực thi hành.



(Cảnh sát cơ động Công an Bình Phước tuần tra phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật)

Trong đó, Dự thảo Luật có một số quy định mới, cụ thể:

- Quy định Lực lượng CSCĐ bao gồm: Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng bảo vệ mục tiêu; Lực lượng không cảnh, thủy cảnh; Lực lượng sử dụng động vật nghiệp vụ (Khoản 1, Điều 11);

- Tổ chức của CSCĐ bao gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ; CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; CSCĐ dự bị thuộc các đơn vị Công an nhân dân; Các Trung tâm huấn luyện, đào tạo. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tổ chức của CSCĐ (Khoản 1, Điều 11);

- Dự thảo Luật CSCĐ bổ sung một số quy định mới so với Pháp lệnh CSCĐ hiện hành, trong đó bổ sung thêm quyền hạn đối với lực lượng CSCĐ như: được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ. Ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan (Điều 10).

- Đáng chú ý, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Điều 8 dự thảo Luật, trong đó, nghiêm cấm chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ. Nghiêm cấm giả danh CSCĐ, giả mạo phương tiện của CSCĐ, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy chứng nhận của CSCĐ. Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân,…

- Dự thảo Luật cũng quy định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong CSCĐ. Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của CSCĐ là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào CSCĐ (Điều 23).

Trên đây là một số điểm mới của Dự thảo luật Cảnh sát cơ động, hy vọng rằng, qua bài viết này, tác giả đã phần nào truyền tải được những nội dung mới, quan trọng để bạn đọc nghiên cứu và góp ý xây dựng luật khách quan, minh bạch, dân chủ bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa./.

Xuân Quynh