Admin
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu
Lượt xem: 829
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.



Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm: Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự; vi phạm quy định về lực lượng dự bị động viên; vi phạm quy định về động viên công nghiệp; vi phạm quy định về dân quân tự vệ; vi phạm quy định về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về sử dụng chứng nhận đăng ký xe quân sự, giấy phép lái xe quân sự và sử dụng, mua bán, sản xuất biển số đăng ký xe quân sự, phương tiện quân sự hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu bao gồm: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước; vi phạm quy định về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước khi truyền đưa bằng phương tiện thông tin, viễn thông hoặc lưu giữ trên các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông mà không được mã hóa bằng mật mã của cơ yếu; vi phạm quy định về thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã và quy định về sản xuất, cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định khác có liên quan.

Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung Điều 1a về đối tượng áp dụng, gồm:

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây quy định chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quốc phòng, cơ yếu trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm: Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp; Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ.

Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là 75 triệu đồng và đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định; Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định; Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định; Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 6 vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng (quy định cũ phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng).

Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12-15 triệu đồng.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự (quy định cũ phạt tiền từ 2-4 triệu đồng).

Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 25-35 triệu đồng.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 7 vi phạm quy định về nhập ngũ. Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng (quy định cũ phạt tiền từ 1,5-2,5 triệu đồng).

Đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 2 trường hợp quy định nêu trên.

Đáng chú ý, Nghị định sửa đổi, bổ sung về phân định thẩm quyền xử phạt, cụ thể Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 30 Mục 7; Điều 32; Điều 33; Điều 34; Điều 35; Điều 36 Mục 8; theo thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định này.

Theo đó, Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về: sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe quân sự, giấy phép lái xe quân sự; sử dụng, mua bán, sản xuất biển số đăng ký xe quân sự, phương tiện quân sự hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải; sử dụng quân trang; quản lý quân trang; sản xuất quân trang; sử dụng biển công tác, cờ hiệu, tín hiệu ưu tiên dành riêng cho Quân đội khi làm nhiệm vụ; sản xuất biển công tác, cờ hiệu dành riêng cho Quân đội khi làm nhiệm vụ.

Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.

Nguyễn Đức Hiếu