Admin
Quy định của pháp luật về tội trộm cắp tài sản
Lượt xem: 8939
Trong thời gian qua, trên địa bàn của tỉnh Bình Phước đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản có giá trị lớn… nhiều vụ các đối tượng trộm cắp tài sản hoạt động với thủ đoạn tinh vi, manh động và liều lĩnh, khi bị chủ tài sản phát hiện đối tượng sẵn sàng dùng hung khí chống trả để thoát thân.

Sáng ngày 16/9/2021, Công an phường Tân Bình, Đồng Xoài nhận thông tin từ tiệm vàng Kim Hương 1, trên địa bàn P.Tân Bình báo về việc nghi vấn bị một nhân viên tên là Lương Thị Nhung lấy trộm một số lượng lớn trang sức bằng vàng tại tiệm vàng. Công an P.Tân Bình đã mời Nhung về cơ quan công an làm việc. Tại đây, Nhung đã khai nhận việc mình đã nhiều lần lấy trộm vàng tại cửa tiệm, mang bên ngoài để bán.  



Ảnh: Đối tượng Nhung cùng nhiều giấy tờ, tài liệu và tang vật liên quan đến vụ trộm được đưa về cơ quan Công an  

Theo lời của Nhung, từ cuối năm 2018 đến nay Nhung đã nhiều lần trộm vàng tại quầy bán vàng mình quản lý. Số trang sức bằng vàng theo Nhung khai tổng cộng lên đến gần 2.500 sản phẩm, ước tính trị giá khoảng 05 tỷ đồng. Sau khi lấy vàng ra ngoài, Nhung không tự đi bán mà nhờ người khác đi bán, hoặc cầm cố tại các tiệm vàng khác nhau trên các địa bàn TP.Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Tiến hành khám xét nơi ở của Nhung, cơ quan Công an thu được rất nhiều giấy tờ và tài liệu liên quan đến vụ trộm cùng một số trang sức Nhung khai là vàng giả. Hiện vụ việc đang được Công an TP.Đồng Xoài đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Vậy hành vi trộm cắp tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý như thế nào? Khi nào thì đối tượng trộm cắp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về tội trộm cắp tài sản.

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự mất cảnh giác của người quản lý tài sản để lấy tài sản mà người quản lý tài sản không hề biết. Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.

Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt đó là: Dấu hiệu lén lút và dấu hiệu chiếm đoạt tài sản đang có người quản lí.

Dấu hiệu chiếm đoạt ở tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được tài sản. Với cách hiểu như vậy, tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Thực tiễn xét xử đã chấp nhận hướng giải quyết cụ thể về những trường hợp chiếm đoạt được ở tội trộm cắp tài sản như sau:

- Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì được coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

- Dùng thủ đoạn để che giấu tính chất phi pháp của hành vi.

Ví dụ: Lợi dụng thủ kho đi vắng, mở cửa kho chuyển hàng lên ô tô như là có việc xuất hàng bình thường. Trong trường hợp này người phạm tội không che giấu hành vi thực tế mà chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Những người không phải là chủ tài sản vẫn biết sự việc xảy ra nhưng không biết đó là hành vi trộm cắp tài sản.

Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản đang có người quản lí. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lí. Hành vi lấy tài sản của chính mình hoặc đang do mình quản lí cũng như hành vi lấy tài sản không có hoặc chưa có người quản lí đều không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Tài sản được coi là đang có người quản lí là tài sản sau:

- Tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản. Thông thường việc xác định tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm quản lý hay không, không phức tạp, trừ một số trường hợp tài sản là những vật nuôi có thể tự động di chuyển vị trí ngoài ý muốn của chủ nuôi như trâu, bò, ngựa…

- Tài sản đang còn trong khu vực quản lí, bảo quản của chủ tài sản: Đây là trường hợp tài sản cụ thể, tuy đã thoát ra khỏi sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm quản lý nhưng vẫn nằm trong phạm vi thuộc khu vực bảo quản.

Ví dụ: Tài sản đã bị lấy ra khỏi nhà kho cụ thể nhưng còn được giấu bên trong hàng rào bảo vệ của khu vực kho.

Theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.  

Thứ nhất, về xử phạt hành chính

Đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính.

Điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản”,…

Như vậy, mức phạt hành chính với hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật là từ 01 đến 02 triệu đồng.

Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính như trên, tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng gây ra, người có hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Cụ thể, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khung hình phạt của tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm họăc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau tại Bộ luật Hình sự mà chưa được xóa án tích: Điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản), 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 175 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

- Phạt tù từ 02 đến 07 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong các trường hợp sau:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 07 đến 15 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong 02 trường hợp sau:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm khi:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

+ Hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.

Thứ ba, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản

Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản là:

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên;

- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì:

+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà khung hình phạt cao nhất do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 07 - 15 năm tù;

+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà khung hình phạt cao nhất do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 15 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, mọi hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản đều có thể áp dụng với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, chỉ phải chịu hình phạt tù đối với tội trộm cắp tài sản trên 200 triệu; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh hoặc lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để trộm cắp tài sản.

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản, từ đó góp phần ngăn chặn không để xảy ra các vụ vi phạm có liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung.

Nguyễn Đức Hiếu