Admin
Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Lượt xem: 335
Kể từ ngày 06/4/2020, Thông tư 18/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân chính thức có hiệu lực. Thông tư này thay thế Thông tư số 53/2009/TT-BCA của Bộ công an.



Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp luật.

Thông tư này quy định cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi làm việc tại cơ quan hoặc đến làm nhiệm vụ, tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm Điều lệnh và quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; khi đến làm việc, tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có công văn hoặc giấy giới thiệu công tác của đơn vị và thực hiện đúng kế hoạch, nội dung đã được lãnh đạo đơn vị phê duyệt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan. Khi công việc kết thúc phải báo cáo kết quả bằng văn bản lên lãnh đạo có thẩm quyền. 

Thông tư nêu rõ, những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không được làm, cụ thể là:

- Lợi dụng danh nghĩa công tác, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân;

- Nhận tiền, quà biếu hoặc các lợi ích khác để giải quyết thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Tự ý đặt ra các thủ tục, giấy tờ hoặc thu thêm các khoản phí, lệ phí ngoài quy định;

- Có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ;

- Tiếp công dân làm thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nhà riêng hoặc tại địa điểm khác ngoài địa điểm quy định;

- Những hành vi trái với quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an.

Thông tư còn quy định 08 nội dung công khai trong công tác của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và các đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

- Nội quy tiếp công dân; lịch tiếp công dân đến làm thủ tục; sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn nơi làm thủ tục;

- Tên và số điện thoại (nếu có) của từng bộ phận, họ tên, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; số điện thoại “đường dây nóng”;

- Trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Các loại phí, lệ phí theo quy định;

- Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 114;

- Danh mục các thủ tục hành chính, quy định, biểu mẫu, thời hạn giải quyết đối với tùng loại thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: a) Thủ tục kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; b) Thủ tục, thời hạn thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình xây dựng và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; c) Thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; d) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đ) Trách nhiệm xây dựng và quyền hạn phê duyệt phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ; e) Thủ tục, lệ phí và thời hạn kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; g) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; h) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy; i) Thủ tục và thời hạn cấp Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Danh sách công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.



Ảnh minh họa: Diễn tập khi có sự cố cháy xảy ra (nguồn: internet)

Trách nhiệm của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được sử dụng các lực lượng, phương tiện, biện pháp theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để phòng ngừa nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố tai nạn và dập các đám cháy, tổ chức cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh nguyên nhân, thiệt hại, điều kiện gây cháy để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận và giải quyết đúng thời hạn theo quy định các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp hồ sơ không đúng quy định thì chưa tiếp nhận và giải thích rõ lý do, đồng thời hướng dẫn bổ sung theo đúng quy định. Trường hợp do lỗi của đơn vị thì người đứng đầu đơn vị hoặc người được ủy quyền phải xin lỗi và hẹn giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Đáng chú ý, Thông tư còn quy định các hình thức giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Bộ Công an nhấn mạnh hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình phải đảm bảo các điều kiện sau: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (đối với nơi có triển khai hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đức Hiếu