Admin
Tuyên truyền Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Lượt xem: 478
Ngày 19/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2021(sau đây gọi tắt là Nghị định số 21/2021/NĐ-CP). Nghị định quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (gọi tắt là biện pháp bảo đảm) và xử lý tài sản bảo đảm.

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP gồm 5 chương, 62 điều, thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.



Một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, tiêu biểu:

Trong điều khoản về giải thích từ ngữ, Nghị định 21/2021/NĐ-CP đã có những giải thích đối với một số khái niệm mà trong các Nghị định trước (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP) chưa được làm rõ như “Tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng bảo đảm”, “Giấy chứng nhận”, hay “Thời hạn hợp lý”, v.v… vốn là những khái niệm do không được giải thích cụ thể trong Nghị định trước nên đã tạo nhiều vướng mắc, không thống nhất trong thực tế áp dụng.

Đối với quy định về tài sản bảo đảm, Nghị định 21/2021/NĐ-CP dành hẳn một chương khi quy định về tài sản bảo đảm (Chương II).

Bên cạnh điều khoản về tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được kế thừa từ Nghị định trước thì trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP này đã có những điều khoản quy định cụ thể về mô tả tài sản bảo đảm, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liến với đất, tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng,…, đây là điểm hoàn toàn mới so với Nghị định trước (những nội dung đó đã không được đưa vào trong Nghị định mà được quy định trong các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm hay đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng).

Liên quan đến quy định về việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng đã được quy định cụ thể tại Điều 27, đây là một điểm mới được đưa vào Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, theo quy định, trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên dùng tài sản chung để góp vốn vào một tổ chức kinh tế thì bên đó được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung, hoặc mặc dù trên thực tế hai vợ chồng không có sự thỏa thuận về việc dùng tài sản chung vào việc góp vốn nhưng có sự việc một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung để góp vốn và xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung mà người còn lại biết được nhưng không phản đối thì vẫn được coi như là đã có thỏa thuận của hai vợ chồng.

Chính vì đã có sự thỏa thuận như các trường hợp nêu trên như vậy nên nếu có xảy ra việc ly hôn thì người đã xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm vẫn được tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp có phán quyết khác của cơ quan có thẩm quyền.

Về chế định Xử lý tài sản bảo đảm, khác với Nghị định cũ, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã sử dụng cụm từ “Xử lý tài sản bảo đảm” (Chương IV) thay vì “Xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp” để thấy rằng những quy định trong chế định này được áp dụng cho tất cả các biện pháp bảo đảm mà không chỉ quy định cho riêng biện pháp bảo đảm bằng cầm cố và thế chấp như Nghị định trước.

Một điểm khác nữa là trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP không có điều khoản quy định riêng về các trường hợp nào bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, mà thay vào đó Nghị định số 21/2021/NĐ-CP chỉ quy định một điều khoản về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba, và việc phải đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ do Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan quy định hoặc đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm.

Như vậy, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ra đời nhằm mục đích hoàn thiện những thiếu sót, bỏ ngỏ chưa được quy định trong Nghị định trước, cũng như tạo dựng khung pháp lý thuận lợi hơn cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, cũng như thúc đẩy khai thác tối đa giá trị kinh tế của các tài sản bảo đảm.

Thực hiện Công văn số 1101/UBND-NC ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh Bình Phước về việc triển khai thực hiện Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ngày 09/4/2021, Công an tỉnh có Công văn số 403/CAT-PV01 về triển khai thực hiện Nghị định số 21/2021/NĐ-CP để triển khai, tuyên truyền đến các đơn vị phòng, trại và Công an các huyện, thị xã, thành phố, trong đó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị bằng các hình thức phù hợp, chủ động phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ do đơn vị mình quản lý để biết, thực hiện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Xuân Quynh