Nhận diện kịch bản âm mưu lợi dụng hiện tượng sư Minh Tuệ để chống phá
Thời gian qua, hình ảnh về vị tu hành Minh Tuệ, đi bộ khất thực, thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” đã tạo nên một "hiện tượng" mạng xã hội thu hút nhiều người quan tâm, theo dõi. Các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các phần tử chống đối trong nước đã lợi dụng sự việc này tạo dựng, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Tạo dựng hiện tượng bất thường, dị biệt. Sư Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2015, ông bỏ nghề địa chính, đến một số chùa ở Tây Ninh, Khánh Hòa xin tu tập, nhưng một thời gian ngắn thì rời khỏi chùa. Từ năm 2017 đến năm 2023, sư Minh Tuệ tự tu, thực hành hạnh nguyện khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của Minh Tuệ diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.
Năm 2024 là lần thứ tư sư Minh Tuệ đi bộ khất thực xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và sau đó đi chiều ngược trở lại. Việc “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà, từ bỏ mọi điều kiện vật chất để tu tập theo lời Phật dạy đã tạo được thiện cảm trong một bộ phận phật tử và Nhân dân.
Đoàn người theo sư Minh Tuệ gây tắc nghẽn giao thông (ảnh Internet)
Trong 03 lần khất thực trước đây, sư Minh Tuệ hầu như không được ai chú ý. Tuy nhiên, lần thứ 4 này Minh Tuệ đã được nhiều Tiktoker, Youtuber, Facebooker … "chăm sóc", đi theo, quay video clip, đăng tải hình ảnh thổi bùng khắp các trang mạng xã hội, tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau. Đội ngũ PR này sử dụng truyền thông là mạng xã hội để quảng bá và biến "hiện tượng" Minh Tuệ thành biểu tượng, thần tượng gây sốt trong cộng đồng.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là khi hình ảnh của Minh Tuệ xôn xao trên mạng, cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch, phản động nhằm mục đích xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam với vô số video clip được cắt ghép, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng phật tử và hạ uy tín Phật giáo. Qua đó gieo rắc hoài nghi, phân biệt giữa người tu trong các tổ chức tôn giáo với người tu khổ hạnh, cho rằng khổ hạnh mới là chính pháp nhằm tạo ra mâu thuẫn bên trong tôn giáo.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng hình ảnh sư Minh Tuệ để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số tăng sĩ, cố tình tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó chia rẽ, gây mất niềm tin của người dân với tổ chức Phật giáo. Đây là một sự so sánh nguy hiểm khi họ cố tình lấy một số hiện tượng sai lệch để đánh đồng, bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nước ta. Việc làm này nhằm thu hút những người nhẹ dạ cả tin, tạo sự chia rẽ trong xã hội bằng cách khuyến khích sự bất đồng quan điểm giữa những người ủng hộ và phản đối. Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhiều Tiktoker, Youtuber, Facebooker và người dân hiếu kỳ theo sát mỗi bước chân của sư Minh Tuệ (ảnh Internet)
Tập trung đông người, làm tắc nghẽn giao thông, mất an ninh trật tự, xáo trộn xã hội. Ngày 3/6/2024, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc nhiều người đi theo sư Minh Tuệ đã gây ảnh hưởng, khó khăn cho các lực lượng chức năng phải căng mình để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên quốc lộ 1A, nhiều đoạn ùn tắc và làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn, buôn bán của rất nhiều người dân ven đường. Đáng chú ý hơn trong đoàn người đi theo sư Minh Tuệ đã có một số người gặp vấn đề về sức khỏe, có người bị tử vong. Cụ thể, ngày 30/5, một người đàn ông trong đoàn đi theo là Lương Thanh Sơn, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp đó, ngày 2/6, có 2 phụ nữ khi đi đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Cơ quan chức năng đã kịp thời đưa 2 phụ nữ trên đến bệnh viện điều trị.
Dựa vào thông tin trên mạng xã hội về việc cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành gây lộn xộn tại một nghĩa trang khi sư Minh Tuệ đi qua thì các trang mạng phản động đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, vu cáo việc “đàn áp”, kích động nhiều người vào bình luận chống phá. Vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo.
Trước những sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với sư Minh Tuệ về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để sư Minh Tuệ được đi bộ và hành trình theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Sư Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Đến nay, cơ quan Công an đã hỗ trợ sư Minh Tuệ làm căn cước công dân để đảm bảo quyền công dân của mình. Đó là cách để chính quyền bảo vệ ông với tư cách là một công dân Việt Nam. Nay sư Minh Tuệ ngừng đi bộ khất thực nhưng ông vẫn là một công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật, đơn giản chỉ là sự thay đổi phương thức, cách thức, hình thức tu tập. Đây cũng là cách để sư Minh Tuệ có được không gian bình yên, an lành, tập trung cho việc tu tập của mình.
Nếu sự việc không được kiểm soát thì kịch bản của các thế lực thù địch, chống đối, phản động sẽ có những hành động tiếp theo là kích động những người a dua tham gia vào các hoạt động chống đối, tụ tập và thậm chí đập phá tài sản. Sau đó chúng đẩy mạnh các hoạt động gây rối này, nhằm biến thành các cuộc bạo loạn...
Qua sự việc trên, bản thân mỗi người dân cần hiểu, tỉnh táo nâng cao cảnh giác nhìn nhận đúng đắn về hiện tượng sư Minh Tuệ cũng như những phức tạp, nguy hiểm về sức khỏe, an ninh trật tự do số đối tượng lợi dụng hoạt động này gây ra, từ đó không a dua hưởng ứng chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội; không tụ tập đông người cúng dường đồ ăn, nước uống, đi theo Minh Tuệ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Tuy nhiên mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Ngược lại, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước, hay gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc đều bị xử lý theo quy định pháp luật.