Admin
Phát huy vai trò của tủ sách pháp luật trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Lượt xem: 2380
Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ các tài liệu về pháp luật, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị. Theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Tủ sách pháp luật được xây dựng, khai thác từ Ủy ban nhân dân cấp xã đến các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, nhà trường và cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân...



Ảnh: Tủ sách pháp luật của Công an tỉnh Bình Phước

Tủ sách pháp luật trong lực lượng Công an nhân dân được xác định là một trong những hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; là nơi lưu giữ các văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ, nội quy, quy chế, quy định của Bộ Công an nhằm phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan, đơn vị. Nội dung, hình thức Tủ sách pháp luật phải phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; bảo đảm tiết kiệm, quản lý, khai thác có hiệu quả; xây dựng ý thức văn hóa đọc, tự nghiên cứu, tự học của cán bộ, chiến sĩ.

Trong đời sống xã hội, sách pháp luật đóng vai trò là công cụ truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến cán bộ chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt, sách pháp luật có vai trò quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, là nguồn cung cấp văn bản pháp luật, các thông tin về quy định của pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm vụ các hoạt động thi hành và bảo vệ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân; giúp cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức pháp luật, áp dụng pháp luật trong quá trình thực thi công vụ; giúp cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân để hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do kém hiểu biết về pháp luật. 



Ảnh: Tủ sách pháp luật của Công an tỉnh Bình Phước

Tủ sách pháp luật ở các đơn vị là công cụ, phương tiện giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tế công tác một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất. Mặt khác, sách pháp luật còn góp phần nâng cao trình độ pháp lý cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính về trật tự xã hội; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quản lý xuất, nhập cảnh; quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân nói riêng, thi hành án hình sự nói chung; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính…

Việc xây dựng tủ sách pháp luật ở các đơn vị trong lực lượng Công an tỉnh Bình Phước góp phần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Tủ sách pháp luật nếu được khai thác, sử dụng có hiệu quả sẽ trở thành công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Công an các đơn vị, góp phần tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, các đơn vị đã triển khai xây dựng và đưa Tủ sách pháp luật vào hoạt động đạt hiệu quả khá tốt, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tế cho thấy, ở một số đơn vị tính hiệu quả của Tủ sách pháp luật chưa cao, thể hiện: Việc duy trì Tủ sách pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, nội dung các tài liệu duy trì trong tủ sách chưa phong phú, mới chỉ có những tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản. Những tài liệu, văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Điều lệ, nội quy, quy chế, quy định của Ngành có tính chất sát với hoạt động của cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc xác định vị trí đặt Tủ sách và xây dựng quy chế duy trì hoạt động, phục vụ cán bộ, chiến sĩ cũng chưa thật hợp lý; đăng ký, theo dõi tiếp nhận, cho mượn tài liệu chưa chặt chẽ dẫn đến khi cán bộ, chiến sĩ cần tra cứu nội dung Tủ sách chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, phương thức khai thác Tủ sách pháp luật cũng chưa được đa dạng, phong phú...

Để Tủ sách pháp luật ở đơn vị thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong Công an nhân dân, như sau:

Một là, các đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, duy trì, khai thác Tủ sách pháp luật. Cần xác định rõ: Loại hình; địa điểm đặt; các loại tài liệu, sách, báo, tạp chí; cán bộ phụ trách, phạm vi, đối tượng phục vụ của Tủ sách pháp luật. Việc tổ chức hoạt động của Tủ sách pháp luật đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo các đơn vị. 

Hai là, việc quản lý sách, báo, tài liệu phải chặt chẽ. Sách báo, tài liệu pháp luật phải được đăng ký vào sổ và bảo quản theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an. Xây dựng quy chế hoạt động của Tủ sách pháp luật và phải được niêm yết tại địa điểm đặt Tủ sách pháp luật.

Ba là, quy định và thực hiện đúng thời gian phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đối với Tủ sách pháp luật ở cơ quan, thời gian mở cửa phục vụ hàng ngày vào giờ làm việc đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu, vận dụng pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực để giải quyết công việc của cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, đa dạng về hình thức phục vụ, khai thác Tủ sách pháp luật. Về hình thức phục vụ: Đọc, nghiên cứu sách, báo, tài liệu pháp luật tại chỗ; cho mượn sách, báo, tài liệu pháp luật có thời hạn... Về hình thức khai thác: Thường xuyên bổ sung, khai thác triệt để nguồn sách, báo, tài liệu có trong Tủ sách pháp luật để phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, tìm hiểu; phổ biến rộng rãi, kịp thời các loại sách, báo, tài liệu pháp luật bằng hình thức thông tin thư mục, hướng dẫn tra cứu và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.

Năm là, phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng cho cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách Tủ sách pháp luật cho phù hợp. Cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật phải có hiểu biết nhất định về pháp luật, công tác thông tin thư viện; có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. Nhiệm vụ của cán bộ phụ trách pháp luật: (1) Lập dự toán kinh phí xây dựng, kinh phí bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật hàng năm của Tủ sách pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt; (2) Bảo quản sách báo, tài liệu pháp luật theo quy định; cho mượn và hướng dẫn việc sử dụng sách, báo, tài liệu pháp luật; theo dõi việc mượn, trả sách, báo, tài liệu pháp luật; (3) Định kỳ hàng năm, kiểm kê sách, báo, tài liệu pháp luật; lập báo cáo sáu tháng, hàng năm với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cơ quan, đơn vị về tình hình xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; (4) Đề nghị xử lý đối với các loại sách, báo, tạp chí, tài liệu pháp luật cũ, nát, hư hỏng, hết hiệu lực thi hành.

Nguyễn Đức Hiếu