Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, ngày 30/7 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kí Quyết định đặc xá năm 2024. Đặc xá là chế định pháp lý nhân văn, phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Trên tinh thần đó, Bình Phước đang nỗ lực triển khai thực hiện công tác đặc xá với tinh thần “đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và chặt chẽ, đũng đối tượng, điều kiện quy định, không để sai sót và tiêu cực xảy ra”.
Nỗ lực chuẩn bị
Những ngày này, công việc của cán bộ, chiến sĩ đội 2, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh trở nên bộn bề hơn. Vừa chuẩn bị hồ sơ cho đợt xét giảm án cho phạm nhân lại vừa chuẩn bị hồ sơ cho công tác đặc xá, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải làm thêm giờ trên tinh thần “hết việc, không hết giờ” mới có thể đảm báo đáp ứng trình tự, thủ tục công tác đặc xá năm 2024. Bởi các trường hợp được đặc xá đòi hỏi phải triển khai công tác xác minh, nghiên cứu hồ sơ, đề xuất, báo cáo rõ chi tiết từ nhân thân cho đến quá trình cải tạo và cả những thủ tục cần thiết khác như bồi thường thiệt hại, xoá án tích,…”Dịp đặc xá năm nay trùng với đợt giảm án 2/9, thời gian rất gấp nên cán bộ, chiến sĩ lực lượng thi hành án hình sự phải nỗ lực làm cả ngày nghỉ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định được vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác đặc xá, thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thành thủ tục hồ sơ để nghị đặc xá cho phạm nhân đảm bảo đúng tiến độ thời gian theo quy định”, Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh nói.
Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh làm việc với cán bộ về thủ tục hồ sơ đặc xá cho phạm nhân
Theo Trung tá Nguyễn Duy Hưng, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ là việc xác minh nơi cư trú sau khi được đặc xá của phạm nhân và xác nhận xoá án tích. “Với những phạm nhân đăng kí hộ khẩu một nơi nhưng sau đó lại muốn đăng kí về một nơi khác, chúng tôi phải liên hệ với các địa phương để xác minh nơi cư trú. Còn với một số phạm nhân có nhân thân đã từng bị xét xử, chúng tôi cũng phải đến Toà án để xác nhận phần xoá án tích. Quá trình này mất rất nhiều thời gian”, Trung tá Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp còn tích cực phối hợp với các đơn vị trong thực hiện công tác đặc xá với phương châm nhân văn, nhân đạo và sự nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với những người phạm tội thực sự ăn năn hối cải, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Ông Nguyễn Văn Trạm, Trưởng phòng 8, Viện kiểm sát tỉnh Bình Phước cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát đã tiến hành trực tiếp kiểm sát cũng như chỉ đạo các đơn vị cấp huyện thực hiện nhiệm vụ. “Qua quá trình triển khai, các đơn vị kiểm sát cấp huyện đã thực hiện nhiệm vụ của mình với mục tiêu đảm bảo Quyết định của Chủ tịch nước được áp dụng một cách công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục. Chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự Công an tỉnh để chỉnh sửa, đối soát hồ sơ, không để bỏ sót trường hợp nào”, ông Nguyễn Văn Trạm cho biết thêm.
Đảm bảo khách quan, dân chủ
Theo Quyết định của Chủ tịch nước, đợt đặc xá năm nay được thực hiện nhân dịp 79 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam (2/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024). Đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương và kế hoạch của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá. Đồng thời thành lập Tiểu ban chỉ đạo về đặc xá của Công an tỉnh và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác đặc xá.
Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ các nội dung về công tác đặc xá đồng thời tuyên truyền phổ biến cho phạm nhân những quy định, ý nghĩa to lớn về chính trị, xã hội cũng như sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong công tác đặc xá. “Trại tạm giam đã cho niêm yết công khai các nội dung liên quan đến Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá tại các khu vực giam giữ, lao động của phạm nhân. Đối với những phạm nhân đủ điều kiện được xét đề nghị đặc xá, chúng tôi cũng làm tôt công tác giáo dục tư tưởng đồng thời tổ chức cho phạm nhân viết đơn đề nghị đặc xá vá bản cam kết để thụ hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Cho đến thời điểm này, các phạm nhân đủ điều kiện đều đã được làm hồ sơ và không có trường hợp nào khiếu kiện, khiếu nại”, Thượng tá Nguyễn Bá Đức thông tin thêm.
Theo báo cáo, đợt đặc xá năm nay, Bình Phước có 12 phạm nhân đủ điều kiện được xét đề nghị đặc xá. Hiện toàn bộ 12 hồ sơ đã cơ bản hoàn thiện. “Sau khi Tổ tư vấn của Hội đồng đặc xá Trung ương trực tiếp kiểm tra ở Công an tỉnh và được đoàn kiểm tra, chỉnh sửa hồ sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nếu được yêu cầu và trực tiếp mang hồ sơ ra Hà Nội để bàn giao cho thường trực Hội đồng đặc xá”, Thượng tá Trịnh Thị Nga, Phó trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc Tiểu ban đặc xá, Công an tỉnh nói.
Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh đối soát hồ sơ phạm nhân đề nghị đặc xá tại Công an tỉnh
Trong đợt đặc xá gần đây nhất vào năm 2022, Bình Phước có 10 hồ sơ phạm nhân được xét đề nghị đặc xá và 10/10 hồ sơ này đều được xét duyệt. “Trong thời gian triển khai thực hiện công tác đặc xá, chúng tôi trực tiếp liên hệ với Cục Cánh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Bất kì khó khăn, vướng mắc nào chúng tôi cũng cố gắng tháo gỡ kịp thời, không để xảy ra thiếu sót trong hồ sơ”, Thượng tá Trịnh Thị Nga khẳng định.
Có thể thấy, công tác đặc xá trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện đúng quy định, thận trọng, khách quan, dân chủ, bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Ngoài việc xét, đề nghị đặc xá cho các phạm nhân, Công an tỉnh cũng đã có kế hoạch chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng. Qua đó, giúp cho người được đặc xá trở về địa phương có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.